Banner
Trang chủ BỘ MÔN Bộ môn Khoa học xã hội

ThS. Nguyễn Thị Huyền: Phân bổ tín dụng cho nông nghiệp nông thôn Việt Nam - Semina tháng 10-2021

04/10/2021 14:50 - Xem: 728

1. Quan điểm của Đảng  về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

            Với khoảng 70% dân số là nông dân, vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nông thôn ở Việt Nam luôn được Đảng và nhà nước hết sức coi trọng trong các giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam. Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương và chính sách lớn về vấn đề này:

            - Tại ĐH toàn quốc lần thứ III: Đảng xác định ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ.

            - Tại ĐH toàn quốc lần thứ IV: ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp xây dựng công nghiệp và nông nghiệp cả nước thành một cơ cấu kinh tế công nông nghiệp.

            - Tại ĐH toàn quốc lần thứ V: tập trung phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp từng bước lên sản xuất lớn XHCN, ra sức đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng, kết hợp nông nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp nặng trong một cơ cấu công-nông nghiệp hợp lý.

            - Tại ĐH toàn quốc lần thứ VI: bảo đảm nông nghiệp, kể cả lâm nghiệp, ngư nghiệp thực sự là một mặt trận hàng dầu…

            - Tại ĐH toàn quốc lần thứ VII: phát triển nông-lâm-ngư-nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định tình hình kinh tế-xã hội…, phát triển một số ngành công nghiệp nặng trước hết để phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp…

            - Tại ĐH toàn quốc lần thứ VIII: đặc biệt coi trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản…

- Tại ĐH toàn quốc lần thứ IX: đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn…Tiếp tục phát triển đưa nông, lâm, ngư nghiệp lên một trình độ mới…

- Tại ĐH toàn quốc lần thứ X: đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp nông thôn và nông dân…Phát triển công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

- Tại ĐH toàn quốc lần thứ XI: phát triển nông -lâm-ngư nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn.

- Tại ĐH toàn quốc lần XII: Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu.

            - Tại ĐH toàn quốc lần thứ XIII: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao. Phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm.

Như vậy, từ thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước, nhận thức của Đảng và Nhà nước là ngày càng quan tâm chú ý tới phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong tổng thể sự phát triển chung của đất nước.

2. Thực trạng phân bổ vốn tín dụng cho phát triển kinh tế-xã hội nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam.

2.1. Dư nợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn liên tục tăng với tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng tín dụng của nền kinh tế.

            Để khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan trọng như: Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được Chính phủ ban hành năm 2010; Quyết định số 899/ QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững”... Theo đó, Nghị định 41 đã được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thông qua Nghị định 55/2015/NĐ-CP và gần đây nhất là Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Nghị định số 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, với nhiều điểm đột phá, như: Nâng gấp đôi mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình; Bổ sung chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đầu mối liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; Hoàn thiện chính sách xử lý rủi ro đối với khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng; Bổ sung quy định về quản lý dòng tiền liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và khuyến khích tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay...

            Nếu như giai đoạn 2007-2009, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế luôn cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp, thì trong giai đoạn 2010-2013, diễn biến hoàn toàn ngược lại.

            Tính đến hết năm 2013, sau 3 năm triển khai Nghị định 41/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, dư nợ cho vay trong lĩnh vực này đã tăng gấp 2,29 lần và đạt 671.986 tỷ đồng.

            Theo báo cáo từ NHNN, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 22% bình quân tín dụng giai đoạn 2016-2020. Riêng năm 2020 (tính đến 31/10/2020), tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 2.168.852 tỷ đồng, tăng 6,21% so với cuối năm 2019, chiếm 24,89% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.

Dòng vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn không chỉ từ 2 hệ thống chủ lực là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội mà còn có sự tham gia của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và sự đổ bộ của các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần về khu vực này, đặc biệt là tín dụng hướng tới nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp nông thôn.

2.2. Nguồn vốn tín dụng tiếp tục tăng đối với các vùng, khu vực sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

            Nếu như trước đây chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho vay lĩnh vực này thì hiện nay có khoảng 70 NHTM, hơn 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng chính sách xã hội tham gia  cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; với mô hình Ngân hàng lưu động của Ngân hàng NN&PTNT, các điểm giao dịch của Ngân hàng chính sách xã hội đặt tại hầu hết các xã, thôn, bản tại 63 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ tài chính và cung cấp dịch vụ ngân hàng tới tận vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cho đại đa số bộ phận người dân.

            Tín dụng nông nghiệp, nông thôn đã từng bước tập trung và đi sâu vào những khu vực, ngành hàng sản xuất chủ lực của Việt Nam như nông, lâm, thủy sản vơi tỷ trọng luôn duy trì ở mức  trên 20% trong những năm gần đây. Hiện nay, tỷ trọng vốn đầu tư vào ĐBSCL là gần 827.081 tỷ đồng (46,3%), tiếp theo là khu vực miền núi phía Bắc với tỷ lệ 19,21%. Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng và khu vực miền Trung là những khu vực có tỷ lệ vốn tín dụng thấp nhất và tương đối đồng đều nhau.

Nguồn: Ngân hàng nhà nước

2.3. Cho vay lĩnh vực nông nghiệp được mở rộng ở hầu hết các ngân hàng thương mại.

                Việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP đã thu hút sự tham gia tích cực của tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại.

            Thời gian qua, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của Chính Phủ, Thủ tướng CP như sau:

            - Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính Phủ: NHNN đã ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 chỉ đạo các Ngân hàng TM cho vay đối với các khách hàng đáp ứng tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định tại Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN của Bộ NN&PTNT với lãi suất thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường của NHTM.

            - Cho vay hỗ trợ lãi suất đối với người dân, doanh nghiệp đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính Phủ: lãi suất cho vay tối đa 7%/năm, Ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay vốn từ 4-6%/năm; thời hạn hỗ trợ lãi suất  lên đến 16 năm đối với tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới và 11 năm đối với tàu vỏ gỗ, chủ tàu được ân hạn trả gốc và lãi 1 năm.

            - Cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng CP: các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân được NSNN hỗ trợ lãi suất 100% trong hai năm đầu và 50% trong năm thứ ba để mua các máy móc thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo danh mục Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố các tổ chức cá nhân được hưởng lãi suât tín dụng đầu tư của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị giảm tổn thất nông nghiệp bao gồm cả nhà xưởng và các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp.

            -Cho vay hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa, gạo tại vùng ĐBSCL trong trường hợp giá thóc, gạo hàng hóa trên thị trường thấp hơn giá thóc, gạo định hướng thu hoạch rộ; cho vay ưu đãi lãi suất, ân hạn lãi để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện tái canh cây cà phê tại khu vực Tây Nguyên…

2.4. Những hạn chế trong phân bổ tín dụng nông nghiệp, nông thôn.

- Nguồn vốn cho vay vẫn ở mức hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Các sản phẩm ngân hàng tại nông thôn còn nghèo nàn.

- Còn những trở ngại để người nông dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

3. Một số kiến nghị chính sách phân bổ vốn tín dụng nhằm phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn

- Xác định nông nghiệp, nông thôn  là lĩnh vực ưu tiên phân bổ tín dụng.

- Định hướng các lĩnh vực cho vay cần ưu tiên.

- Nhà nước hoàn thiện và thực thi các quy định pháp luật liên quan tới tín dụng nông nghiệp, nông thôn.

- Nhà nước và NHNN cần có chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết.

- Chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

- Bảo hiểm nông nghiệp cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN