Banner
Trang chủ BỘ MÔN Bộ môn Khoa học xã hội

ThS. Lê Quốc Tuấn- Tóm tắt Seminar "TÁC ĐỘNG CỦA TOÀN CẦU HÓA ĐẾN GIỮ GÌN PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC"

28/06/2021 09:06 - Xem: 788
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu khách quan tác động đến mọi quốc gia trên moi lĩnh vực xã hội. Bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia cũng chịu sự tác động tích cực và tiêu cực của xu thế toàn cầu hóa. Do vậy, để đưa đất nước phát triển bền vững cần nhận diện rõ hơn những vận hội cũng như những thách thức của quá trình toàn cầu hóa đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cần được đặc biệt quan tâm.

Mở đầu

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu khách quan tác động đến mọi quốc gia trên moi lĩnh vực xã hội. Bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia cũng chịu sự tác động tích cực và tiêu cực của xu thế toàn cầu hóa. Do vậy, để đưa đất nước phát triển bền vững cần nhận diện rõ hơn những vận hội cũng như những thách thức của quá trình toàn cầu hóa đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cần được đặc biệt quan tâm.

Nội dung     

         Bản sắc văn hóa dân tộc hình thành và phát triển cùng lịch sử dân tộc vừa bền vững vừa biến động, gồm những đặc điểm in sâu đậm trong tâm hồn, tình cảm, lối sống, lối tư duy của một cộng đồng qua quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương, đất nước, chống thiên tai khắc nhiệt để tồn tại và phát triển.

         Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn. Trong công cuộc kiến thiết nhà nước, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng” [1]. Văn hóa là tất cả những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Văn hóa là sản phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người và duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hóa, được tái tạo và phát triển trong quá trình hành động và tương tác xã hội của con người. Văn hóa là trình độ phát triển của con người và của xã hội được biểu hiện trong các kiểu và hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người cũng như trong giá trị vật chất và tinh thần mà do con người tạo ra.

Có nhiều ý kiến về các yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa, tinh thần truyền thống dân tộc Việt Nam. NQTƯ 5 khóa VIII, ngày 16-7-1998, đã nêu lên 5 thành tố cơ bản của bảng giá trị tinh thần truyền thống dân tộc. Đó là: lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn với cá nhân, gia đình, làng, nước; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống. Tính cách con người Việt Nam là bản sắc văn hóa Việt Nam. Bản sắc văn hóa Việt Nam trước hết thể hiện sâu đậm trong văn hóa, văn nghệ Việt Nam. Nó là cốt lõi văn hóa, văn nghệ dân tộc, là đặc điểm nổi trội của văn hóa, văn nghệ vừa ở hình thức vừa ở nội dung. Những đặc điểm, giá trị tương đối ổn định trên đã được thể hiện dưới những khuôn mẫu xã hội được tích lũy và tái tạo trong cộng đồng người qua không gian và thời gian và trở thành bản sắc của mỗi cộng đồng người Việt Nam, của đất nước Việt Nam, lịch sử Việt Nam, tư duy Việt Nam, nghệ thuật Việt Nam.

Khi bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, Đảng đã đặc biệt chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa, xác định văn hóa không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực của sự phát triển đất nước trong điều kiện lịch sử mới. Quan điểm đó thể hiện rõ nét trong NQTƯ 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, NQTƯ 9 khóa XI, ngày 9-6-2014, “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Nhìn lại 30 năm đổi mới, Đại hội XII (2016) của Đảng đánh giá đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, “bước đầu hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên” [2]. Tuy nhiên, so với các lĩnh vực khác, việc đầu tư phát triển và thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải. Điều đó đã làm cho “đời sống văn hóa, tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện lành mạnh, ngoại lai, trái thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Hệ thống thông tin đại chúng phát triển thiếu quy hoạch khoa học, gây lãng phí nguồn lực và quản lý không theo kịp sự phát triển. Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích” [3]. Đáng chú ý là, “hệ thống thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ” [4], v.v.

Hiện nay, tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đem lại cho các quốc gia, dân tộc nhiều cơ hội để tiếp thụ tinh hoa văn hóa toàn nhân loại, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sự sống còn bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc trước sự “xâm lăng” của các nền văn hóa lớn. Đối với Việt Nam, quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển đất nước nói chung và phát triển văn hóa nói riêng. Đó là:

Thứ nhất, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo điều kiện để đổi mới tư duy về kinh tế, mở đường cho quá trình đổi mới tư duy lý luận về văn hóa. Bắt đầu từ giao lưu, hợp tác kinh tế, giao lưu, đối thoại về chính trị được mở rộng, tạo tiền đề để văn hóa gặp gỡ, tiếp xúc với các nền văn hóa của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đây là cơ hội để đánh giá đúng vị trí, vai trò của văn hóa nhằm khai thác các giá trị văn hóa như một động lực để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khi kinh tế tri thức và xã hội thông tin, khoa học - công nghệ trở thành nguồn lực trực tiếp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thứ hai, toàn cầu hóa tạo điều kiện mở rộng không gian giao lưu văn hóa. Thông qua quá trình toàn cầu hóa, văn hóa của mỗi quốc gia có dịp khuyếch trương các giá trị văn hóa của dân tộc mình; đồng thời, tiếp nhận những giá trị mới từ các nền văn hóa khác. Quá trình toàn cầu hóa khiến cho sự đa dạng văn hóa tại mỗi quốc gia, dân tộc ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của văn hóa toàn nhân loại. Quá trình giao lưu, hợp tác văn hóa là quá trình thử thách bản lĩnh nền văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, là quá trình bảo toàn các giá trị tốt đẹp, cao quý của nền văn hóa dân tộc. Chính sự đối thoại cởi mở và bình đẳng là nguồn lực tạo ra sự phong phú và tính độc đáo của mỗi nền văn hóa. Trong quá trình toàn cầu hóa, văn hóa Việt Nam không những không bị đồng hóa mà ngày càng tỏ rõ sức sống và tạo nên những giá trị độc đáo dựa trên năng lực vừa tự nuôi dưỡng văn hóa bản địa, vừa tiếp nhận, chọn lọc những giá trị tốt đẹp của văn hóa phương Đông và phương Tây. Thông qua hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa Việt Nam đã tạo được những dấu ấn sâu sắc với bạn bè quốc tế. Thế giới biết đến Việt Nam, khí phách, tinh thần quật khởi đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc; tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động; bản tính hiền hòa, trọng nghĩa tình; văn hóa-nghệ thuật truyền thống và ẩm thực Việt Nam.

Thứ ba, toàn cầu hóa và mở rộng hợp tác quốc tế, tạo cơ hội để phát triển giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, xây dựng và phát triển nguồn lực con người, đặc biệt là nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ trí thức-nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, góp phần xây dựng và phát triển đất nước, tạo động lực để hiện đại hóa văn hóa dân tộc.

Thứ tư, toàn cầu hóa tạo cơ hội để chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, chuyên giao kỹ năng và kinh nghiệm tổ chức và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa (công nghệ truyền thông, công nghệ sản xuất phim, băng hình, dịch vụ vui chơi giải trí...), thúc đẩy quá trình dân chủ hóa về thông tin toàn cầu, kích thích năng lực sáng tạo của nền văn hóa dân tộc.

Thứ năm, toàn cầu hóa tạo điều kiện đề mở rộng xuất nhập khẩu văn hóa và mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Quá trình hội nhập quốc tế tác động sâu sắc vào tinh thần, ý thức dân tộc, thúc đẩy sự cạnh tranh để nâng cao vị thế văn hóa dân tộc trên trường quốc tế.

Bên cạnh những thời cơ, xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển kinh tế thị trường đặt ra những thách thức gay gắt cho sự phát triển nền văn hóa dân tộc. Đó là nguy cơ bị đồng hóa về văn hóa; sự tụt hậu về văn hóa so với kinh tế và so với các nền văn hóa trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ chệch hướng trong xây dựng và phát triển văn hóa, suy thoái về lối sống, đạo đức, nhất là sự sa sút về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và nếp sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; nguy cơ lệch chuẩn trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng-văn hóa ngày càng gay gắt...

Kết luận

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với sự phát triển kinh tế-xã hội. Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu và động lực của sự phát triển. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là sự lựa chọn cho phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tài liệu tham khảo

1. Báo Cứu quốc, tháng 8-1945

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4. Nguyễn Thế Nghĩa, Nguyễn Thị Hương Giang (2016), Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

 

[1] Báo Cứu quốc, tháng 8 - 1945

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016. Tr. 123.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016. Tr. 125

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016. Tr. 125

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN