Banner
Trang chủ BỘ MÔN Bộ môn Khoa học xã hội

TS. Nguyễn Đỗ Hương Giang - Tóm tắt Seminar “Giáo dục tình dục toàn diện cho sinh viên Đại học Nông Lâm”

28/06/2021 09:04 - Xem: 697
Theo báo cáo sơ bộ của Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) năm 2019 về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục của sinh viên Đại học Thái Nguyên cho thấy: Nhận thức của sinh viên về các khái niệm, thuật ngữ về tình dục, đa dạng tính dục còn hạn chế. Biện pháp tránh thai được sinh viên có nghe nói đến nhiều nhất là vòng tránh thai, nhưng thuốc diệt tinh trùng là lại biện pháp ít được các bạn biết tới nhất.

 

I. Thông tin chung

- Họ và tên người thực hiện: Nguyễn Đỗ Hương Giang

- Chức vụ: Giảng viên chính, Tiến sỹ

- Đơn vị: Khoa Khoa học cơ bản

- Tên chủ đề: “Giáo dục tình dục toàn diện cho sinh viên Đại học Nông Lâm”

II. Nội dung:

   Theo báo cáo sơ bộ của Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) năm 2019 về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục của sinh viên Đại học Thái Nguyên cho thấy: Nhận thức của sinh viên về các khái niệm, thuật ngữ về tình dục, đa dạng tính dục còn hạn chế. Biện pháp tránh thai được sinh viên có nghe nói đến nhiều nhất là vòng tránh thai, nhưng thuốc diệt tinh trùng là lại biện pháp ít được các bạn biết tới nhất. Sinh viên biết sử dụng bao cao su nam nhiều nhất nhưng sự tự tin trong việc sử dụng nó đúng cách lại ít nhất. HIV/AIDS là bệnh lây truyền qua đường tình dục được sinh viên có khả năng kể ra nhiều nhất, tuy nhiên mới gần một nửa sinh viên hiểu được chính xác khái niệm HIV và các nguy cơ lây truyền qua các giao tiếp thông thường. Không có sự khác biệt về giới tính, thành phần dân tộc, năm học của sinh viên trong nhận thức về SKSS,SKTD. Hơn 60% sinh viên ủng hộ quan hệ tình dục trước hôn nhân, sinh viên nam đồng ý cao hơn sinh viên nữ, sinh viên khoá sau cao hơn sinh viên khoá trước. Tuy có những suy nghĩ cởi mở hơn về trinh tiết của người phụ nữ, vẫn có hơn 40% sinh viên coi trọng vấn đề này, đặc biệt ở sinh viên nam. Điều này phản ánh khuôn mẫu, định kiến về giới là đàn ông luôn là người chủ động trong tình yêu, tình dục, đòi hỏi sự trinh tiết đối với phụ nữ ở Việt Nam. Khoảng 2/3 số sinh viên ĐHTN vẫn giữ thái độ tiêu cực trước hành vi tình dục đồng giới vì cho rằng đó là điều bất bình thường, biến thái”. Gần 60% sinh viên vẫn có thái độ đổ lỗi cho phụ nữ về việc họ bị xâm hại tình dục tiếp tục phản ánh những định kiến giới trong tư duy của sinh viên ĐHTN, nhất là ở sinh viên nam. Tỷ lệ sinh viên ĐHTN đã có quan hệ tình dục tại thời điểm khảo sát là 28,3%, trong đó tỷ lệ sinh viên nam đã có QHTD cao hơn nhóm sinh viên nữ, ở nhóm sinh viên dân tộc thiểu số cao hơn sinh viên dân tộc Kinh. Độ tuổi càng tăng thì tỷ lệ sinh viên có QHTD càng tăng. Đa số sinh viên có QHTD xuất phát từ chính nhu cầu, sự tự nguyện của bản thân chiếm tỷ lệ cao nhất và phần lớn sinh viên cũng cho biết mình là người chủ động trong QHTD nhưng vẫn có khoảng gần 30% là do bị lừa gạt, cưỡng bức. Đối tượng mà sinh viên có QHTD nhiều nhất là với người yêu, nhưng cũng có những đối tác là bạn bè, người mới quen, người lạ, thậm chí là với người lao động tình dục/mại dâm và có cả họ hàng. Nhu cầu và mong đợi của sinh viên về nội dung và hình thức truyền thông giáo dục về SKSS/TD là cơ sở để các trường triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục phù hợp nhằm đáp ứng mong muốn và nhu cầu của sinh viên ĐHTN, giúp các em được trang bị kiến thức, kỹ năng, tự tin chăm sóc SKSS/TD cho bản thân. (Xem thêm báo cáo nghiên cứu cơ bản “Nhận thức, thái độ và thực hành của sinh viên đại học Thái Nguyên về sức khoẻ sinh sản và tình dục” được thực hiện năm 2019 của CGFED).

Xuất phát từ khảo sát đó, tôi mong muốn sẽ xây dựng được chương trình Giáo dục tình dục toàn diện cho sinh viên Đại học Nông Lâm Thái Nguyên với đội ngũ nòng cốt là các cán bộ giảng viên và sinh viên trong trường như sau:

Xây dựng chủ đề và nội dung truyền thông trong giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục cho sinh viên toàn trường, hướng tới xây dựng các chủ đề và nội dung truyền thông  thay đổi hành vi được sử dụng trong giáo dục SKSS/TD cho sinh viên Đại học Nông Lâm. Trong phần này, những chủ đề trọng tâm đã được cụ thể hoá thành các nội dung truyền thông và các thông điệp để các trường có thể tham khảo, bao gồm các khía cạnh tích cực của tính dục, chẳng hạn như tình yêu và các mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng và bình đẳng lẫn nhau. Tìm hiểu sự biến đổi trong cơ thể con người, cách cơ thể chúng ta hoạt động và các quyền mà chúng ta có đối với cơ thể của mình. Xây dựng các cuộc thảo luận về giá trị; quyền; văn hóa và giới; về động lực quyền lực dựa trên chủng tộc, giới tính; xu hướng tình cảm hoặc tình dục và cách nhận biết; bản sắc và sự thể hiện bản thân; thách thức và sự cần thiết thay đổi các chuẩn mực giới có hại.

Hơn nữa, nó cung cấp cho sinh viên cơ hội thực hành các kỹ năng chính như ra quyết định, đàm phán, tư duy phản biện, kỹ năng lãnh đạo và giao tiếp. Dựa trên các bằng chứng, chúng ta biết rằng giáo dục giới tính là một phần thiết yếu của một nền giáo dục tốt giúp chuẩn bị cho những người trẻ tuổi có thể đưa ra các quyết định sáng suốt trong một thế giới mà HIV/AIDS, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STI), mang thai ngoài ý muốn và bạo lực trên cơ sở giới vẫn tiềm ẩn những nguy cơ nghiêm trọng đối với hạnh phúc của mỗi người.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN