Banner
Trang chủ BỘ MÔN Bộ môn Khoa học xã hội

TS. Vũ Hồng Thái- Tóm tắt Seminar T7-2021- Đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi sinh viên (18 - 22)

01/08/2021 00:00 - Xem: 1222
Những đặc điểm tâm lý của thanh niên, sinh viên bị chi phối bởi những đặc điểm phát triển thể chất, môi trường và vai trò xã hội cụ thể, họ sống và hoạt động. Đây là một lớp người đặc biệt đang chuẩn bị trực tiếp cho việc tham gia vào cuộc sống tinh thần và vật chất của xã hội. Những đặc điểm phát triển tâm lý ở những thanh niên, sinh viên rất phong phú đa dạng và không đồng đều (không ai giống một ai).

1.5. Đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi sinh viên (18 - 22)

1.5.1. Những đặc điểm tâm lý của lứa tuổi 18 - 22

Những đặc điểm tâm lý của thanh niên, sinh viên bị chi phối bởi những đặc điểm phát triển thể chất, môi trường và vai trò xã hội cụ thể, họ sống và hoạt động. Đây là một lớp người đặc biệt đang chuẩn bị trực tiếp cho việc tham gia vào cuộc sống tinh thần và vật chất của xã hội. Những đặc điểm phát triển tâm lý ở những thanh niên, sinh viên rất phong phú đa dạng và không đồng đều (không ai giống một ai). Sau đây là  những nét cơ bản:

Hoạt động học tập, hoạt động vui chơi giải trí, hoạt động lao động sản xuất, hoạt động xã hội và môi trường sống của sinh viên có những nét đặc trưng và đòi hỏi khác nhau về chất so với những lứa tuổi trước đó. Để hoạt động học tập có kết quả, trong thời gian đầu ở trường Đai học sinh viên phải thích nghi với hoạt động học tập, hoạt động xã hội cũng như các hoạt động sinh hoạt trong đời sống tập thể sinh viên (như ở trường, lớp hay ở ký túc xá...) quá trình thích nghi này tập trung chủ yếu ở:

Nội dung và cách thức giao tiếp như giữa cá nhân này với cá nhân khác, giữa bạn bè, thầy cô giáo, giữa cá nhân này với tập thể ... và các tổ chức xã hội phong phú, đa dạng khác.

Nội dung học tập mang tính chuyên ngành hoặc không chuyên ngành.

Phương pháp học tập mang tính nghiên cứu khoa học...

Như thế, trong quá trình học tập, lĩnh vực động cơ của sinh viên tiếp tục bị chi phối khá mạnh bởi chính vai trò cán bộ giảng dạy trong việc tổ chức hoạt động dạy học. Việc phát triển, phát huy những động cơ tích cực của hoạt động học tập ở sinh viên phụ thuộc vào một số điều kiện sư phạm nhất định như:

Những bài giảng được trình này theo hướng nên vấn đề, gây những tình huống được giải quyết.

Những giờ thảo luận, báo cáo, đàm thoại, tọa đàm, hội họp, hội nghị, những buổi nói chuyện, những buổi hội thảo được phát huy độc lập, sáng tạo, độc đáo, đặc biệt...

Việc hướng dẫn hoạt động nghiên cứu khoa học ở phòng thí nghiệm hoặc nghiên cứu thực tế, thực tiễn để giải quyết các vấn đề có ý nghĩa quan trọng để phát triển hệ động cơ nhận thức của sinh viên theo hướng tích cực trong học tập cũng như trong tập luyện.

1.5.2. Đặc điểm giải phẫu cơ thể lứa tuổi 18 - 22

Trong GDTC, chức năng của tim, huyết quản và phổi là nhân tố sinh lý quan trọng. Trong đó mạch đập, huyết áp và dung tích sống là các chỉ tiêu sinh lý bình thường dùng để tìm hiểu công năng phổi. Tần số tim và mạch đập thống nhất ở trạng thái bình thường.

Lứa tuổi 18 đến 22, mạch đập trung bình ở nam giới là 77,5 ± 4,4 lần/phút; mạch đập trung bình ở nữ giới là 77,5 ± 8,93 lần/phút. Huyết áp tâm thu của nữ là 110,2 mmHg; huyết áp tâm thu của nam là 117,5 mmHg. Giá trị trung bình dung tích sống của nam khoảng 4124 ml và của nữ là khoảng 2871ml.

 Hệ tim mạch: cùng với sự phát triển chung của khối lượng tim và hoạt động của tim, ở tuổi thanh niên thỉnh thoảng có hiện tượng to tâm thất trái, điều này trong y học gọi là “sự nở to tim ở lứa tuổi thanh niên”. Sự thích ứng của tim trở lên hoàn thiện hơn. Tần số co bóp của tim giảm xuống tới 70 - 75 lần/phút, huyết áp khoảng 115mmHg. Chúng ta có thể dùng phương pháp bắt mạch đây là phương pháp đơn giản để có thể kiểm tra mạch đập của một người một cách nhanh chóng.

Hệ hô hấp: sự phát triển của cơ quan hô hấp được hoàn thành, dung tích sống của phổi đạt tới 3 - 3,5l. Điều hòa hô hấp thần kinh trở lên hoàn chỉnh hơn. Quá trình trao đổi chất diễn ra mạnh hơn, nhưng càng lớn thì sự  trao đổi chất càng giảm. Ở nước ta thì dung tích sống trung bình của lứa tuổi 18 - 22 là 3500ml đối với nam và 2600ml đối với nữ. Để xác định dung tích sống người ta dùng phế dung kế. Như vậy, để có lượng khí lưu thông tăng cao, sự tham gia của các cơ của hệ hô hấp là yếu tố vô cùng quan trọng.

 Hệ thần kinh: sự phát triển của trí tuệ được tiếp tục, chức năng phân tích của hệ thần kinh đạt tới sự phát triển hoàn toàn. Khát vọng đạt kết quả cao trong các hoạt động, đặc biệt trong hoạt động TDTT.

Huyết áp: là áp lực của máu đè lên thành mạch được tạo nên do áp lực của tim. Bình thường huyết áp tối đa sẽ từ 100 - 130mmHg. Huyết áp mà dưới 100mmHg là huyết áp thấp và người lại nếu cao trên 130mmHg là bị huyết áp cao. Huyết áp tối thiểu từ 65 - 85mmHg là trung bình. Chỉ số huyết áp thường sẽ phụ thuộc vào lứa tuổi và giới tính. Chỉ số huyết áp là chỉ số tương đối ổn định, trong tập luyện TDTT huyết áp ít bị thay đổi.

Cùng với việc đo và đánh giá sự  phát triển bên ngoài, để nhận định đúng trình độ thể lực và khả năng hoạt động thể lực, cần kiểm tra chức năng các hệ cơ quan trong cơ thể. Thông thường trạng thái chức năng của các hệ cơ quan tương ứng với hình thể bên ngoài của cơ thể. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp tầm vóc có thể phát triển tốt nhưng tình trạng chức năng của hệ thần kinh trung ương, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn và hệ sinh dục phát triển không tốt.

1.5.3. Đặc điểm phát triển tổ chất thể lực ở sinh viên

Tố chất thể lực của con người là tổng hòa các chất lượng của cơ thể biểu hiện trong điểu kiện cụ thể của cuộc sống, lao động, học tập, tập luyện, nghiên cứu khoa học, vui chơi giải trí và hoạt động thể dục thể thao. Khả năng vận động là biểu hiện bên ngoài của tố chất thể lực, thể dục thể thao là phương tiện để nâng cao khả năng vận động góp phần cải tạo thể chất con người.

Các nhân tố về trạng thái chức năng của hệ thần kinh, chất lượng của các cơ quan vận  động và chức năng của các cơ quan đảm bảo năng lượng cho cơ thể có ảnh hưởng rất lớn đến tố chất thể lực. Hoạt động thể lực có thể phát triển các mặt khác nhau của năng lực hoạt động thể lực. Các mặt khác nhau đó của khả năng hoạt động thể lực được gọi là tố chất vận động.

Trong hoạt động thể thao, tố chất thể lực là nội dung rất quan trọng trong huấn luyện thể lực cho sinh viên. Sự nâng cao thành tích thể thao không dựa vào sự phát triển cao các tố chất thể lực. Trong huấn luyện thể lực, tố chất thể lực là các loại năng lực biểu hiện khi vận động của sinh viên. Ngoài các yếu tố tri thức, đạo đức, ý chí, kỹ thuật, chiến thuật, thể lực là một trong những nhân tố quan trọng nhất, quyết định hiệu quả hoạt động thể chất của con người, trong đó có hoạt động TDTT. Rèn luyện thể lực là một trong hai đặc điểm cơ bản, nổi bật của quá trình hoạt động GDTC.

Có 5 tố chất thể lực cơ bản đó là: sức nhanh, sức mạnh, sức bền, khéo léo (khả năng phối hợp vận động) và độ mềm dẻo. Dựa trên cơ sở sinh lý, lý luận và phương pháp thể dục thể thao về tố chất thể lực, có thể đi sâu vào tìm hiểu từng tố chất một.

1.5.3.1. Tố chất sức nhanh

Sức nhanh là một tố chất quan trọng, là năng lực của cơ thể vận động tốc độ nhanh, là năng lực thực hiện động tác trong khoảng thời gian ngắn nhất. Nó là một tổ hợp thuộc tính chức năng của con người. Nó quy định chủ yếu và trực tiếp đặc tính tốc độ động tác cũng như thời gian phản ứng vận động. Các hình thức đơn giản của sức nhanh tương tác độc lập nhau, đặc biệt những chỉ số về thời gian phản ứng vận động hầu như không tương quan với tốc độ động tác. Những hình thức trên là thể hiện các năng lực tốc độ khác nhau. Các hình thức phức tạp của sức nhanh là thời gian thực hiện các hoạt động thể thao phức tạp khác nhau như: chạy cự  ly ngắn (20m, 30m, 60m, 100m), tốc độ đấm trong quyền anh, tốc độ ra đòn trong các môn võ thuật, tốc độ đập bóng trong môn bóng chuyền, tốc độ dẫn bóng trong môn bóng đá...

Sức nhanh phụ thuộc vào sự phối hợp của hệ thống thần kinh cơ, sức mạnh nhanh, khả năng đàn hồi cơ bắp, khả năng huy động các nguồn năng lượng phù hợp, các phẩm chất ý chí…

Tố chất nhanh phát triển tương đối sớm từ lứa tuổi 10 - 13, nếu không được tập luyện đầy đủ và tập luyện tốt thì đến giai đoạn 16 - 18 tuổi sẽ rất khó phát triển nâng cao. Vì vậy, khi ở lứa tuổi này không có điều kiện tập luyện thường xuyên, thì sang lứa tuổi 18 - 21, cần chú ý trong quá trình tập luyện sao cho phù hợp. Nhất là ở lứa tuổi trưởng thành, nếu không thường xuyên rèn luyện thì sau này sẽ gặp càng nhiều khó khăn trong hoạt động, học tập và làm việc. 

Phương pháp cơ bản để phát triển sức nhanh là phương pháp tập luyện lặp lại và dãn cách có cường độ gần tối đa và tối đa. Trong huấn luyện sức nhanh, cần chú ý đến cấu trúc của lượng vận động với các yêu cầu cường độ vận động cần được sắp xếp trong khoảng gần tối đa đến tối đa. Người tập luyện phải có sự nỗ lực hết mình (với tần số và biên độ động tác phù hợp), để đạt tốc độ vận động lớn nhất và cố gắng vượt qua tốc độ đó.

1.5.3.2. Tố chất sức mạnh

         Sức mạnh là khả năng khắc phục lực đối kháng bên ngoài hoặc đề kháng lại nó bằng nỗ lực của cơ bắp. Trong bất kỳ hoạt động nào của con người, đều có sự tham gia hoạt động của cơ bắp. Đây là tố chất quan trọng hàng đầu và tỷ lệ nghịch với tốc độ động tác. Cơ bắp có thể sinh ra lực trong những trường hợp như:

Không thay đổi chiều dài của cơ (chế độ tĩnh).

Giảm độ dài cơ (chế độ khắc phục).

Tăng độ dài của cơ (chế độ nhượng bộ).

Trong chế độ hoạt động như vậy, cơ bắp sản sinh ra các lực cơ học, các trị số khác nhau, cho nên có thể coi chế độ hoạt động của cơ là cơ sở phân biệt các loại sức mạnh.

Bằng thực nghiệm và phân tích khoa học, người ta đi đến một số kết luận có yếu tố cơ bản trong phân loại sức mạnh. Trong các động tác nhanh, các trị số lực giảm dần theo chiều tăng tốc độ. Khả năng sinh lực trong các động tác nhanh tuyệt đối (tốc độ) và khả năng sinh lực trong các động tác tĩnh tối đa (sức mạnh tĩnh), không có tương quan nhau.

Trên cơ sở đó, sức mạnh được phân chia thành: sức mạnh đơn thuần (khả năng sinh lực trong các động tác chậm hoặc tĩnh), sức mạnh tốc độ (khả năng sinh lực trong các động tác nhanh). Sức mạnh tốc độ còn được chia nhỏ tuỳ theo chế độ vận động thành sức mạnh động lực và sức mạnh hoãn xung.

Những yếu tố ảnh hưởng đến sức mạnh một cấu trúc của hệ thống cơ bắp (số lượng, độ dày sợi cơ, độ đàn hồi cơ bắp), khả năng điều chỉnh của hệ thống thần kinh, các phẩm chất tâm lý, năng lực huy động nguồn năng lưc trong điều kiện thiếu oxy.

Trong hoạt động vận động nói chung và hoạt động thể thao nói riêng, sức mạnh luôn có mối quan hệ với các tố chất thể lực khác, nhất là sức nhanh và sức bền. Do đó, năng lực sức mạnh được phân chia thành ba hình thức sau:

Năng lực sức mạnh tối đa.

Năng lực sức nhanh (sức mạnh tốc độ).

Năng lực sức bền.

Sức mạnh cũng là tiền đề rất quan trọng để nâng cao thành tích TDTT. Ở lứa tuổi 18 - 22 là lứa tuổi thuận lợi cho cơ bắp phát triển tốt nhất. Vì vậy, trong quá trình rèn luyện tố chất sức mạnh cần chú ý luyện tập sao cho phù hợp, hợp lý để phát huy nó một cách tốt nhất.

1.5.3.3. Tố chất sức bền

Sức bền là khả năng khắc phục mệt mỏi nhằm hoạt động trong thời gian dài với cường độ nhất định và có hiệu quả. Sức bền đảm bảo cho người tập luyện đạt được một cường độ tốt nhất (nhịp độ thi đấu, tốc độ, dùng lực…) trong thời gian vận động kéo dài. Sức bền còn đảm bảo chất lượng động tác cao và giải quyết hoàn hảo các hành vi động tác phức tạp và vượt qua khối lượng vận động lớn trong quá trình tập luyện.

Trong sinh lý TDTT, sức bền thường được đặc trưng cho khả năng thực hiện các hoạt động thể lực kéo dài liên tục từ 2 đến 3 phút trở lên, với sự tham gia của một khối lượng lớn cơ bắp, nhờ sự hấp thụ oxy để cung cấp năng lượng cho cơ chủ yếu hoặc hoàn toàn bằng con đường ưa khí. Sức bền được chia thành nhiều loại như: sức bền chung, sức bền chuyên môn, sức bền tốc độ, sức mạnh bền.

Sức bền chung: thể hiện khả năng của con người trong các hoạt động kéo dài, có thể từ vài chục phút đến hàng giờ, có cường độ thấp, có sự tham gia phần lớn của hệ cơ.

Sức bền chuyên môn: là thể hiện năng lực duy trì khả năng vận động cao trong những loại hình bài tập nhất định. Sức bền trong từng loại bài tập có tính chuyên biệt phụ thuộc vào các nhân tố khác nhau, đặc biệt là phụ thuộc vào mức độ hoàn thiện kỹ thuật.

Sức bền tốc độ: là khả năng duy trì nhịp vận động cao để chuyển động nhanh nhất trong một thời gian nhất định.

Sức mạnh bền: là thời gian duy trì hoạt động với trọng lượng mang vác lớn.

Ở lứa tuổi sinh viên từ 18 - 22, khi tập luyện sức bền đòi hỏi sự nỗ lực lớn không những bằng cơ bắp mà còn bằng ý chí khắc phục khó khăn, gian khổ, ngại khó, lười biếng tập luyện… Bên cạnh đó, còn có sự thuận lợi trong nhận thức tự giác tập luyện, hiểu rõ tác dụng, lợi ích khi tập luyện TDTT một cách khoa học, bài bản. Cho nên, giáo viên cần lưu ý giáo dục nhận thức cho sinh viên hiểu và nắm rõ được chức năng tác dụng của mỗi bài tập khi tham gia tập luyện TDTT.

1.5.3.4. Tố chất mềm dẻo

Mềm dẻo là năng lực thực hiện động tác với biên độ lớn. Biên độ tối đa của động tác là thước đo của khả năng mềm dẻo. Thông thường, độ linh hoạt của các khớp càng lớn thì khả năng mềm dẻo của cơ thể càng lớn.

Năng lực mềm dẻo được chia thành hai loại đó là: mềm dẻo tích cực và mềm dẻo thụ động.

Mềm dẻo tích cực: là khả năng thực hiện động tác với biên độ lớn ở các khớp nhờ sự nỗ lực của cơ bắp.

Mềm dẻo thụ động: là năng lực thực hiện động tác với biên độ lớn ở các khớp nhờ tác động của ngoại lực như: trọng lượng cơ thể, lực ép của huấn luyện viên hay đồng đội, bạn bè, thầy cô giáo…

Mềm dẻo là tiền đề quan trọng để đạt được yêu cầu về số lượng và chất lượng động tác. Tố chất mềm dẻo này được phát triển rất sớm ở lứa tuổi thiếu niên - nhi đồng, đặc biệt là lứa tuổi từ 11 - 14, trước khi hệ vận động phát triển chưa hoàn chỉnh. Có thể tập mềm dẻo khi tập thể dục buổi sáng, trong giờ khởi động, các động tác chân làm tăng độ linh hoạt của các khớp, đồng thời là động tác khởi động, có tác dụng tích cực với tập luyện kỹ thuật ở phần cơ bản, ngăn ngừa chấn thương trong quá trình tập luyện.

Ở lứa tuổi sinh viên tập luyện tố chất mềm dẻo rất khó khăn, vì xương, cơ, khớp, dây chằng và hệ thần kinh đã phát triển tương đối hoàn chỉnh. Vì vậy, khi rèn luyện tố chất thể lực này cần chú ý đến biên độ động tác, những yêu cầu khi thực hiện cần phải phù hợp với lứa tuổi để đề phòng chấn thương có thể xảy ra trong quá trình học tập và tập luyện. Tuy nhiên, nếu năng lực mềm dẻo không được phát triển một cách đầy đủ sẽ dẫn đến những hạn chế và khó khăn trong quá trình phát triển các năng lực thể thao, cũng như trong cuộc sống, trong học tập và tập luyện.

1.5.3.5. Tố chất khéo léo (khả năng phối hợp vận động)

Khéo léo là khả năng thực hiện động tác phức tạp và khả năng hình thành nhanh những động tác mới phù hợp với yêu cầu vận động. Về bản chất, sự khéo léo là khả năng hình thành những đường liên hệ tam thời đảm bảo cho việc thực hiện những động tác phức tạp, vì vậy nó liên quan đến việc hình thành kỹ năng vận động.

Năng lực phối hợp vận động là các tiền đề (cần thiết ít hoặc nhiều) để thực hiện thành công một hoạt động thể thao nhất định. Năng lực này được xác định trước hết ở khả năng điều khiển động tác (xử lý thông tin) và được hình thành, phát triển trong tập luyện. Năng lực phối hợp vận động có mối liên hệ chặt chẽ với các phẩm chất tâm lý và các năng lực khác như: sức nhanh, sức mạnh, sức bền.

Khéo léo thường được coi là tố chất vận động loại hai, phụ thuộc vào mức độ phát triển của các tố chất khác như: sức nhanh, sức mạnh và sức bền. Mức độ phát triển khéo léo liên quan chặt chẽ với trạng thái chức năng của hệ thần kinh trung ương. Tập luyện phát triển sự khéo léo lâu dài làm cho cơ hưng phấn hoặc thả lỏng nhanh hơn. Tập luyện các bài tập chuyên môn có thể làm tăng sự phối hợp hoạt động các vùng não khác nhau, do đó hoàn thiện sự phối hợp với các nhóm cơ hưởng ứng cũng như nhóm cơ đối kháng.

TS. Vũ Hồng Thái

BÀI VIẾT LIÊN QUAN