Banner
Trang chủ BỘ MÔN Bộ môn Khoa học xã hội

ThS Ngô Thị Mây Ước - Tóm tắt Seminar "Tư tưởng Hồ Chí Minh về y tế"

07/10/2021 09:34 - Xem: 706

1. Tư tưởng cơ bản của Hồ Chí Minh về y tế

Suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn đấu cho sự nghiệp cao cả giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, đói nghèo, bệnh tật. Vì vậy, ngành y tế, ngành chǎm lo sức khỏe con người, là một trong những ngành được Người quan tâm nhiều nhất. Có thể nói chính Người đã tạo lập nền y đức mới.

Người mong muốn và căn dặn: “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H,1996, t7, tr.572).

  • Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt. Mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe.”

Tư tưởng Hồ Chí Minh về y tế được thể hiện thông qua những bài nói, bài viết và thư gửi các hội nghị y tế toàn quốc, nổi bật ở một số nội dung cơ bản:

Một là, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nền y học mang bản sắc dân tộc, khoa học và hiện đại.

Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, tháng 2-1955, Người nêu rõ: “Nay, chúng ta đã độc lập, tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng”.

Người nói rằng: “Y học phải dựa trên nguyêntắc khoa học, dân tộc, đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Ðể mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiêncứuvàphốihợpthuốcđôngvà thuốc tây” [4, t.7, tr.476]

Với quan niệm nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều ở nơi dân, để xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi mỗi người dân phải nâng cao kiến thức về y tế, quan tâm chăm sóc sức khỏe cho chính mình và đồng thời góp sức chăm lo sức khỏe cộng đồng. Từ vấn đề tích cực rèn luyện thân thể để nâng cao thể chất, sức đề kháng chống lại bệnh tật, ốm đau; cho đến vệ sinh môi trường; xây dựng các công trình y tế dân sinh trong chăm lo xây dựng đời sống mới, nhất là khu vực nông thôn - đó là cách thức, phương châm xây dựng nền y học dự phòng tích cực, chủ động, hiệu quả, đem tài dân, sức dân để chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân. Người dân cũng phải chủ động, tự giác rèn luyện sức khỏe, tăng cường thể chất qua giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống trong lành. Người khuyên đồng bào: “Ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”.

Hai là, y đức là vấn đề trung tâm, vấn đề cốt lõi trong quan điểm về y tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến y đức, Người là hiện thân của đạo đức cách mạng trong sáng đối với ngành y. Người luôn luôn quan tâm giáo dục những người làm công tác y tế về vấn đề y đức.

Trong các thư gửi Trường Quân y nǎm 1946, Hội nghị Quân y nǎm 1948, Trường y tá Liên khu I nǎm 1949, Hội nghị y tế toàn quốc nǎm 1953, Người luôn nêu vấn đề này.

Người viết: "Người ta có câu: "Lương y như từ mẫu", nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền". (Thư gửi Hội nghị Quân y tháng 3-1948), "Phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân" (Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc 1953)", "Phải thương yêu, sǎn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn, lương y phải như từ mẫu" (Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế tháng 2-1955).

Không một nội dung nào sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, ngắn gọn hơn, súc tích hơn, đúng đắn hơn, nói lên được sự cao cả, thiêng liêng của ngành y tế, của người thầy thuốc như lời dạy của Người về y đức. Lòng người mẹ thương con là tình cảm cao cả, thiêng liêng nhất trong mọi tình cảm của con người. Tình thương yêu, đùm bọc giữa các anh chị em ruột thịt trong gia đình là tình cảm thân thiết, quý trọng nhất, sự quan tâm nỗi đau đớn, sướng khổ của bản thân mình là gắn bó, thân thiết nhất đối với mỗi người trong cuộc đời.

Chín điều rǎn dạy của Hải Thượng Lãn Ông cũng chỉ là: "Chớ vì giàu sang hay nghèo hèn mà đến (thǎm bệnh) trước đến sau hay bốc thǎm lại phân biệt hơn kém...". Đến Hồ Chí Minh, y đức được nâng lên tầm cao chưa từng có. Còn gì thiêng liêng, cao quý hơn tình cảm mẹ con? Người mẹ không những sinh thành, tạo ra cuộc sống, nuôi dưỡng, dạy dỗ con mà còn có thể hy sinh tất cả, kể cả cái quý nhất là cuộc sống của mình cho con. Còn gì thân thiết hơn, gần gũi hơn tình cảm anh em cốt nhục? Người anh nào khi em hoạn nạn không đem tất cả sức lực, tâm huyết, không làm tất cả mọi việc có thể làm được cho em mình qua cơn hoạn nạn. Còn gì thiết thân hơn, sát sườn hơn đối với con người là sự đau đớn của chính mình? Có người nào không hết lòng, hết sức chạy chữa cho bản thân mình khi đau ốm? Hồ Chí Minh đã đem tất cả những tình cảm cao quý, thiêng liêng (tình mẹ con, tình anh em, tình cảm đối với bản thân mình) vào đạo đức của người thầy thuốc. Từ một vấn đề mang tính trách nhiệm, là thái độ ứng xử chuyển thành vấn đề không chỉ mang tính trách nhiệm, nhân đạo mà còn mang sắc thái thiêng liêng, tình cảm. Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo lập nên nền y đức mới, y đức cách mạng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “đức” là thước đo lương tâm và nghĩa vụ của người thầy thuốc đối với người bệnh, là yêu cầu căn bản, là gốc của người thầy thuốc; còn “tài” là năng lực chuyên môn biểu hiện ở tính hiệu quả trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và khám chữa bệnh cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đức và tài có quan hệ mậtthiết với nhau. Trong quan hệ đó, đức phảiđứng trước tài, cũng như hồng phải đứng trước chuyên; vì vậy phải có chính trị trước rồi mới có chuyên môn, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng… Người khẳng định: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích được cho ai” [Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.t.8, tr.184]

Ba là, ngành y tế nói chung, các thầy thuốc nói riêng phải "thật thà đoàn kết". Quan hệ giữa những người thầy thuốc là một trong những mối quan hệ cơ bản của hoạt động có sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho toàn dân và trị bệnh cứu người. Mỗi người thầy thuốc phải học và biết cách phối hợp trí tuệ, tài năng và hành động một cách kịp thời, chính xác để cứu chữa người bệnh sao cho được hiệu quả cao nhất. Tại thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế, tháng 2-1955, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân" ( Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.7, tr.476).

Đoàn kết trong y đức là mối quan hệ đồng nghiệp, giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, giữa những nhân viên trong ngành y tế cùng nhằm tới mục đích vì sức khỏe con người. Đoàn kết trong ngành y là yêu cầu cần thiết để tạo nên sức mạnh, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.

Theo Hồ Chí Minh y đức không chỉ là lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến, là sự thật thà, đoàn kết với đồng nghiệp, mà còn là sự say mê nghề nghiệp, luôn tích cực trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn và kiến thức toàn diện nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của toàn quân và toàn dân. Người thầy thuốc cách mạng muốn hồng phải chuyên sâu, muốn cho y đức được thực hiện đầy đủ và có ý nghĩa thực tiễn thì cần không ngừng trau dồi y lý, y thuật và luôn biết tự làm giàu trí tuệ cho mình.

Bốn là trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bác Hồ rất quan tâm đến công tác y tế dự phòng.

Quan điểm về y tế dự phòng của Hồ Chí Minh sâu sắc, toàn diện và hiện đại. Người nói: “Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh”, trong những trường hợp cụ thể, Người coi trọng công tác phòng bệnh, “mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người dân yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khoẻ”.

Tháng 2/1949, gửi thư cho học viên Trường cán bộ y tế Liên khu I, Bác nêu rất rõ quan điểm về y tế dự phòng: "Người y tá chẳng những giúp chữa bệnh mà còn phải phổ biến vệ sinh". Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc nǎm 1953, vấn đề vệ sinh phòng bệnh được Bác nhấn mạnh một cách sâu sắc và toàn diện: "Sức khoẻ của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hǎng hái, tinh thần và sức khoẻ đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công. Nhiệm vụ ấy có hai phần: Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh"

Trong bài Vệ sinh yêu nước, phát động “Phong trào diệt ruồi, muỗi”, Hồ Chí Minh cho rằng “Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Ðiều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết”. Muốn vậy “Phải phát động quần chúng, dựa vào lực lượng của quần chúng. Phải lãnh đạo chặt chẽ: đôn đốc và kiểm tra thường xuyên. Phải có quân chủ lực.” trong công tác này, trong đó ngành y phải “Ðánh thông tư tưởng của quần chúng bằng mọi cách tuyên truyền giáo dục rộng khắp”.

Làm tốt công tác y tế dự phòng không chỉ là bảo đảm sức khỏe nhân dân, mà còn là góp phần xây dựng “đời sống mới”. Tháng 3-1947, trong tác phẩm Ðời sống mới, Bác Hồ nhấn mạnh: “Sạch sẽ tức là một phần đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm. Sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn. Xem đó thì biết rằng ai cũng nên làm đời sống mới”, đối với mỗi người dân thì gắng sức làm sao để “Trong nhà ngoài vườn, luôn luôn sạch sẽ gọn gàng... Luôn luôn cố gắng, làm cho nhà mình thành một nhà kiểu mẫu trong làng”; còn đối với mỗi làng xã, thì gắng sức thi đua “Làm cho làng mình thành một làng “phong thuần tục mỹ”. Về vệ sinh, đường sá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi”. Những điều cụ thể đó đối với nhân dân ta hằng ngày theo quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh thật có tác dụng to lớn biết bao trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng trong tình hình hiện nay.

2. Học tập và làm theo lời dạy của Hồ Chí Minh về y đức

- Học tập theo lời Bác, tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức từng giai đoạn, từng thời kỳ đã được thể chế hóa, cụ thể hóa thành những việc rõ ràng trong công tác phục vụ người bệnh, bảo vệ và chǎm sóc sức khỏe nhân dân:

Phạm Ngọc Thạch đã nêu: "Đến, tiếp đón niềm nở. ở, chǎm sóc tận tình. Đi, dặn dò chu đáo" làm châm ngôn, mọi thầy thuốc, nhân viên trong ngành phải tuân thủ trong việc chǎm sóc, phục vụ người bệnh.

Nǎm 1979, Bộ Y tế đề ra nǎm tiêu chuẩn của người cán bộ y tế nhân dân.

Nǎm 1982, Bộ Y tế nêu những yêu cầu cụ thể về "thương yêu người bệnh" cho cán bộ, nhân viên hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau đối với việc bảo vệ, chǎm sóc sức khỏe nhân dân.

Nǎm 1996, Bộ trưởng y tế Đỗ Nguyên Phương nêu lên 12 điều quy định về y đức.

Ngày 10-8-1999, lại ban hành Quy định về đạo đức hành nghề dược.

Tư tưởng về y đức của Người mãi mãi là "pháp bảo" của ngành y tế, soi đường chỉ lối cho những người làm công tác y tế vượt qua mọi khó khǎn, thử thách, xây dựng và phát triển ngành, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong sự nghiệp bảo vệ và chǎm sóc sức khỏe nhân dân.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN