Banner
Trang chủ BỘ MÔN Bộ môn Khoa học xã hội

TS. Lê Quốc Tuấn - Phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay" - Tóm tắt seminar tháng 10/2022

27/10/2022 15:59 - Xem: 593
Trong quá trình đổi mới, phát triển KT-XH của nước ta hiện nay, việc coi trọng phát huy nhân tố con người có ý nghĩa quyết định đến sự nghiệp xây dựng đất nước. Đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề phát huy nhân tố con người, nhờ đó mà “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Bài viết này tập trung làm rõ một số vấn đề về phát huy nhân tố con người và biện pháp chủ yếu để phát huy nhân tố con người hiện nay.

CHỦ ĐỀ SEMINAR THÁNG 10:

PHÁT HUY NHÂN TỐ CON NGƯỜI TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA ĐẤT NƯỚC HIỆN NAY

Người trình bày: Lê Quốc Tuấn

 

1. Mở đầu

Trong quá trình đổi mới, phát triển KT-XH của nước ta hiện nay, việc coi trọng phát huy nhân tố con người có ý nghĩa quyết định đến sự nghiệp xây dựng đất nước. Đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề phát huy nhân tố con người, nhờ đó mà “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Bài viết này tập trung làm rõ một số vấn đề về phát huy nhân tố con người và biện pháp chủ yếu để phát huy nhân tố con người hiện nay.

2. Nội dung

Khái niệm phát huy nhân tố con người có thể được hiểu ở nhiều cấp độ khác nhau, tuy nhiên tựu trung lại có thể hiểu như sau: “Phát huy nhân tố con người chính là tạo cơ hội, điều kiện để sử dụng, bồi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cần thiết để con người thể hiện tối đa năng lực của mình trong lao động và hoạt động sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” (1).

Khái niệm phát huy nhân tố con người có quan hệ gần gũi, mật thiết với những khái niệm như: xây dựng con người, phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, phát triển nguồn lực con người, phát huy dân chủ, bồi dưỡng sức dân, chăm lo đời sống nhân dân, phát huy tính năng động sáng tạo của nhân dân, giáo dục đào tạo con người...

Lịch sử chứng minh rằng, ở đâu và lúc nào nhân tố con người được phát huy tốt thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Sự phát triển thần kỳ của như Nhật Bản, Ítxraen - những quốc gia nghèo về nguồn tài nguyên khoáng sản, khắc nghiệt về điều kiện thời tiết, khí hậu, gánh chịu nhiều thiên tai (núi lửa, sóng thần, sa mạc hóa…) chủ yếu là do những nước này đã phát huy tốt nhân tố con người.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò nhân tố con người trong cách mạng Việt Nam. Người khẳng định, con người là động lực to lớn quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng đời sống mới, tiến lên xã hội chủ nghĩa đều phải bắt đầu từ con người, từ việc phát huy nhân tố con người.

Tư tưởng về phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển KT - XH của đất nước hiện nay đã được Đảng ta đề cập trong nhiều Đại hội. Thực tiễn qua hơn 30 năm đổi mới, trên cơ sở đánh giá thực tiễn và tổng kết lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: con người và các nguồn lực của con người đóng vai trò quyết định sự phát triển của đất nước. Trong Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta cũng khẳng định những thành tựu trong phát huy nhân tố con người ở nước ta trong những năm qua là khá toàn diện, có thể khái quát một số thành tựu cơ bản như: i) Phát huy huy môi trường dân chủ nhằm phát huy nhân tố con người, “thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước… Chú trọng thực hiện dân chủ cơ sở” (3) ; ii) Ngày càng coi trọng vấn đề phát triển toàn diện con người, trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; iii) Chăm lo đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn nên “Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt” (4)...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu thì vấn đề phát huy nhân tố con người cũng còn những hạn chế nhất định, như: i) Hạn chế trong tạo cơ chế nhằm phát huy nhân tố con người, “Cơ chế và chính sách... còn nặng về hành chính hóa, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài” (5); ii) Hạn chế trong giáo dục, đào tạo nhằm phát huy nhân tố con người, “hoạt động giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra... Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa cao” (6), “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu” (7)...

Từ thực trạng đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề cập một cách nhất quán, sâu sắc, toàn diện về vấn đề phát huy nhân tố con người. Điều đó thể hiện tập trung trong Quan điểm chỉ đạo, Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cả trong Đột phá chiến lược.

Trong giai đoạn hiện nay, phát huy nhân tố con người luôn gắn liền với xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc. Trong điều kiện khoa học và công nghệ hiện đại, kinh tế tri thức phát triển, hội nhập gia tăng thì mối quan hệ biện chứng này càng trở nên quan trọng. Đối với nước ta, để phát huy nguồn lực con người một cách hợp lý, hiệu quả cần phải có một hệ thống các biện pháp đồng bộ, trong đó, cần tập trung vào một số biện pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, phát triển mạnh mẽ giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ.

Thứ hai, quan tâm giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích theo phương châm bảo đảm công bằng xã hội trong từng chính sách, từng bước phát triển.

Thứ ba, xây dựng và thực hiện một cơ chế dân chủ trong mọi mặt của đời sống xã hội nhằm tạo môi trường, điều kiện thiết yếu để phát huy vai trò của nguồn lực con người trong các lĩnh vực.

3. Kết luận

Phát huy nhân tố con người để phát triển kinh tế - xã hội, đó là một vấn đề có tính quy luật. Trong giai đoạn hiện nay, phải phát huy nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hoá, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân.

Tài liệu tham khảo

(1) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị môn Triết học Mác - Lênin, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018, tr. 281-282.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.219

(3), (4), (5), (6), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 71, 104, 83, 82, 82-83.

(8), (9), (10), (11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.325, 324-325, 336, 338.

(12), (13) Dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tr.49, tr.62.

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN