Banner
Trang chủ BỘ MÔN Bộ môn Khoa học xã hội

ThS. Lê Quốc Tuấn- Tóm tắt Seminar "Yếu tố tác động đến biến đổi bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Thái Nguyên hiện nay"

31/12/2021 08:00 - Xem: 558
Thái Nguyên là tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng, là trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực trung du, miền núi phía Bắc Việt Nam. Thái Nguyên có 46 dân tộc trên tổng số 54 dân tộc sinh sống tại Việt Nam, trong đó có 8 dân tộc có số dân nhiều nhất là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, H’Mông, Hoa.

TÓM TẮT CHỦ ĐỀ SEMINAR:

YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN BIẾN ĐỔI BẢN SẮC VĂN HÓA CÁC

DÂN TỘC TỈNH THÁI NGUYÊN HIỆN NAY

                                                                    Người trình bày: ThS.Lê Quốc Tuấn

Đặt vấn đề

Thái Nguyên là tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng, là trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực trung du, miền núi phía Bắc Việt Nam.

Thái Nguyên có 46 dân tộc trên tổng số 54 dân tộc sinh sống tại Việt Nam, trong đó có 8 dân tộc có số dân nhiều nhất là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, H’Mông, Hoa. Mỗi dân tộc có một nét văn hoá riêng như những gam màu tạo nên bức tranh văn hoá hết sức đặc sắc, riêng biệt không nơi nào có được. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, bản sắc văn hóa các dân tộc ở tỉnh Thái Nguyên đã và đang có những sự biến đổi mạnh mẽ theo cả xu hướng tích cực và tiêu cực. Sự vận động biến đổi này chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau.

1. Đặc điểm bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Thái Nguyên

Với nhiều dân tộc sinh sống trên địa bàn nên bản sắc văn hoá dân tộc của tỉnh Thái Nguyên khá đa dạng và phong phú. Điều này được thể hiện qua hệ thống các giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc.

Hệ thống các giá trị văn hóa vật thể tập trung ở những ngôi nhà truyền thống, trang phục, ẩm thực, phương thức sinh kế của đồng bào các dân tộc.

Hệ thống các giá trị văn hóa phi vật thể tập trung chủ yếu ở các phong tục, tập quán, tín ngưỡng liên quan đến thờ cúng tổ tiên, thờ các vị thần; tang ma, trong hôn nhân và liên quan đến nhà ở

2. Yếu tố tác động đến sự biến đổi bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Thái Nguyên

 Thứ nhất, yếu tố tác động từ quá trình phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa

Sự phát triển của các khu công nghiệp đã thu hút được một lực lượng lao động lớn các đồng bào dân tộc của các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã có nhiều định hướng và tạo điều kiện về mọi mặt cho con em mình tham gia vào các Công ty, Nhà máy, Xí nghiệp để có cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Quá trình này đã có sự tác động đến bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc ở tỉnh Thái Nguyên. Điều này biểu hiện ở chỗ:

Thứ nhất, tác động đến lối sống, nếp sinh hoạt truyền thống vốn được coi là khó thay đổi của các gia đình có người thân tham gia vào quá trình sản xuất đó.

Thứ hai, bản sắc văn hóa truyền thống của nhiều đồng bào dân tộc có sự phong phú và có tính hiện đại hơn trong các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần.

Thứ ba, số lượng con em đồng bào ở các xã, các huyện đã có sự di cư về những khu vực này để làm việc và sinh sống nên các giá trị văn hóa của họ cũng có sự giao thoa với giá trị văn hóa đô thị.

Thứ tư, tác động mặt trái của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là làm cho nhiều đồng bào dân tộc dễ lãng quên với những yếu tố truyền thống của mình.

Thứ hai, yếu tố tác động từ quá trình hội nhập, mở cửa

Quá trình hội nhập mở cửa đã tác động trên tất cả các lĩnh vực trong tỉnh, trong đó có yếu tố văn hóa của các đồng bào dân tộc. Sự tác động này theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Một mặt, đồng bào các dân tộc có cơ hội giao lưu, tiếp biến với các nền văn hóa tiên tiến khác của thế giới để bổ sung làm giàu các giá trị văn hóa của dân tộc mình, tránh nguy cơ lạc hậu phù hợp với sự phát triển chung của thời đại. Mặt khác, nó cũng đang tác động sâu rộng và thậm chí còn có sự cản trở, sự mai một, sự pha trộn, lai căng và có nguy cơ bị mất đi những bản sắc văn hóa truyền thống vốn có của đồng thời các dân tộc.

Thứ ba, yếu tố tác động từ các trung tâm giáo dục, đào tạo

Nhiều con em các đồng bào dân tộc trong tỉnh tham gia vào quá trình học tập tại các trung tâm giáo dục, đào tạo này nên bên cạnh việc tiếp thu các kiến thức về chuyên môn họ còn có điều kiện được giao lưu với những sinh viên đến học tập từ các địa phương khác nên nhiều bản sắc văn hóa của họ đã có sự tiếp biến những giá trị tích cực làm phong phú thêm bản sắc văn hóa cho dân tộc mình. Đồng thời cũng lai căng làm mất đi những bản sắc truyền thống của dân tộc mình, chẳng như trong cách ăn mặc.

Thứ tư, yếu tố tác động từ chính sách của Đảng và Nhà nước

Trong những năm qua nhiều chủ trương, chính sách đã được triển khai tới các vùng đồng bào dân tộc, trong đó có tỉnh Thái Nguyên như Chương trình 135, 167 của Chính phủ; chính sách hỗ trợ về khoa học và công nghệ; các chương trình phổ cập giáo dục chống mù chữ và chế độ cử tuyển sinh viên vào đại học; chính sách xây dựng nông thôn mới… đã tác động không nhỏ đến đời sống của đồng bào các dân tộc ở Thái Nguyên.

3. Một số khuyến nghị

Một là, cần nhận biết, xác định rõ các yếu tố tác động đến xu hướng biến đổi bản sắc văn hóa dân tộc.

Hai là, mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc phải được quán triệt trong tổng thể hệ thống chính sách kinh tế - xã hội của chính quyền các cấp trong tỉnh Thái Nguyên.

Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc.

Bốn là, cần giới thiệu về lịch sử, về truyền thống cũng như quảng bá về bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra, sưu tầm, kiểm kê và phục dựng lại các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc.

Kết luận

Văn hóa các cộng đồng dân tộc tỉnh Thái Nguyên là một nền văn hóa có bản sắc, giàu truyền thống đang cần được bảo tồn và phát triển để thực sự trở thành biểu trưng cho nét đẹp tinh thần của cộng đồng các dân tộc.

Việc nghiên cứu, tìm hiểu những yếu tố tác động đến biến đổi bản sắc văn hóa các dân tộc ở Thái Nguyên hiện nay để đưa ra những khuyến nghị phát huy những mặt tích cực đồng thời hạn chế mặt tiêu cực trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trước những yếu tố tác đó là rất cần thiết góp phần vào mục tiêu chung của Việt Nam là xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tài liệu tham khảo

[1]. Nguyễn Hữu Khánh, Đất và người Thái Nguyên, Thái  Nguyên, 1998.

[2]. Dương Thị Lê, Lễ hội Lồng Tồng của người Tày huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (truyền thống và biến đổi), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010.

[3]. Lê Quốc Tuấn - Nguyễn Thị Thúy, Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Thái Nguyên trước bối cảnh toàn cầu hóa, Tạp chí Giáo dục và Xã hội, số tháng 3 (kì 2)/2019.

[4] Cục thống kê tỉnh Thái Nguyên (2019), Niên giám thống kê tỉnh Thái Nguyên 2018, In tại Công ty cổ phần in Thái Nguyên, Thái Nguyên.

[5]. Ủy ban nhân dân Tỉnh Thái Nguyên, Địa chí tỉnh Thái Nguyên, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2000.

[6]. Ủy ban nhân dân Tỉnh Thái Nguyên, Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2019, Thái Nguyên, 2018.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN