Banner
Trang chủ BỘ MÔN Bộ môn Khoa học xã hội

TS. Dương Thị Kim Huệ: Quá trình hình thành, phát triển tư duy về kinh tế thị trường định hướng XHCN của Đảng Cộng sản Việt Nam -Tóm tắt báo cáo seminar tháng 11/2021

30/11/2021 00:00 - Xem: 611
Sau 35 năm đổi mới, nền KT Việt Nam đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8%[4].

Quá trình hình thành, phát triển tư duy về kinh tế thị trường định hướng XHCN của Đảng Cộng sản Việt Nam

Tóm tắt seminar tháng 11 - TS. Dương Thị Kim Huệ

 

1.Khái quát cơ chế quản lý kinh tế Việt Nam thời kỳ trước Đổi mới

        Những đặc trưng cơ bản của cơ chế này là:

        - Các tư liệu sản xuất chủ yếu được công hữu hoá với hai hình thức sở hữu được xác lập là toàn dân và tập thể, tương ứng với thành phần KT quốc doanh và thành phần KT tập thể.

        - Kế hoạch hoá tập trung toàn bộ nền KT quốc dân. Nhà nước trực tiếp điều hành nền KT thông qua hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh theo hiện vật được áp đặt từ trên xuống dưới. Việc hạch toán KT chỉ mang tính hình thức. Nhà nước nắm trực tiếp mọi khâu, từ sản xuất đến lưu thông, phân phối.

        - Nền KT mang nặng tính hiện vật, không thừa nhận các quan hệ thị trường. Nhà nước thực hiện việc quản lý nền KT thông qua chế độ “cấp phát – giao nộp”, quan hệ hàng hoá – tiền tệ chỉ tồn tại về hình thức. Chế độ bao cấp được thực hiện thông qua 3 hình thức: bao cấp giá đối với các yếu tố đầu vào sản xuất, bao cấp giá đối với hàng hoá tiêu dùng, bao cấp vốn đối với các đơn vị KT cơ sở.

2.Các bước đột phá nhằm từng bước xác lập yếu tố thị trường trong nền kinh tế Việt Nam (1979 – 1989).

2.1. Giai đoạn 1979 – 1986

        3 hội nghị mang tính “đột phá”:

        Hội nghị TW 6 khoá IV (tháng 9/1979): bước đột phá thứ nhất, với chủ trương và quyết tâm làm cho sản xuất “bung ra”. Hội nghị đã tập trung vào điều chỉnh một số chính sách không còn phù hợp, cải tiến các chính sách lưu thông, phân phối; đổi mới công tác kế hoạch hoá, kết hợp kế hoạch với thị trường; kết hợp ba lợi ích: Nhà nước, tập thể, cá nhân người lao động.

        Hội nghị TW 8 khoá V (tháng 6/1985): bước đột phá thứ hai, với chủ trương dứt khoát xoá bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, thực hiện cơ chế một giá, chuyển sang hạch toán kinh doanh XHCN, thừa nhận sản xuất hàng hoá và các quy luật của sản xuất hàng hoá.

        Hội nghị Bộ Chính trị tháng 8/1986: bước đột phá thứ ba, đưa ra kết luận đối với một số vấn đề thuộc về quan điểm KT

  1. Giai đoạn 1986 – 1989

        Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986) đánh dấu sự bắt đầu cho công cuộc Đổi mới toàn diện của Việt Nam. Trên cơ sở chỉ rõ những sai lầm, khuyết điểm của phương thức quản lý KT trước đó, Đại hội đã xác định ba vấn đề: Xây dựng cơ cấu KT hợp lý, ưu tiên thực hiện ba chương trình mục tiêu KT lớn: lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu; coi KT nhiều thành phần là một trong những đặc trưng chủ yếu của KT Việt Nam; tạo lập cơ chế sử dụng quan hệ hàng hoá – tiền tệ. Tuy vậy, do những lý do khách quan và chủ quan, Đại hội VI vẫn có những giới hạn nhất định trong việc nhận thức về thể chế KT mới.

        Hội nghị TW 6 khoá VI (3/1989): đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình xác lập thể chế KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam. Hội nghị đã đề cập một cách toàn diện ba vấn đề căn bản của KTTT định hướng XHCN. Thứ nhất: chuyển mạnh các đơn vị KT sang hoạch toán kinh doanh theo quan điểm phát triển nền KT hàng hoá nhiều thành phần, xem đây là tư tưởng nhất quán. Thứ hai: lần đầu tiên nêu ra quan điểm một thị trường thống nhất, thông suốt trong cả nước và gắn với thị trường thế giới. Thứ ba: lần đầu tiên tuyên bố dứt khoát xoá bỏ cơ chế hai giá, thực hiện cơ chế một giá thống nhất tuân theo thị trường.

  1. Giai đoạn định hình và từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (từ 1989 đến nay)

        Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (6/1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Cương lĩnh chỉ rõ: “phát triển KT hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”[1].

        Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (6/1996): Nhận định sau 10 năm đổi mới, Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng KT – XH, chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và bổ sung một số nhận thức mới về KTTT định hướng XHCN. Tuy vậy, cả Đại hội VII và Đại hội VIII đều chưa sử dụng cụm từ KTTT định hướng XHCN.

        Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (4/2001): là mốc quan trọng với việc chính thức đưa ra khái niệm KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam và coi đây là mô hình KT tổng quát ở Việt Nam trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH, đồng thời khẳng định: Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền KT hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, đó chính là nền KTTT định hướng XHCN. Đại hội cũng lần đầu tiên trình bày cấu trúc của mô hình KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam với các nội dung cơ bản về mục đích phát triển, chế độ sở hữu và chủ thể của nền KT, vai trò của các thành phần KT, chế độ quản lý, chế độ phân phối,… Điều này có nghĩa là thừa nhận KTTT như một chỉnh thể KT ở Việt Nam.

  Từ sự thừa nhận của Đại hội IX, các kỳ đại hội Đảng sau đó cho đến nay đã tiếp tục làm sáng tỏ và từng bước hoàn thiện nhận thức về thể chế KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn. Đặc biệt ở Đại hội X (4/2006) quyết định đẩy mạnh hoạt động KT đối ngoại, hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế KT toàn cầu, khu vực và song phương, trên cơ sở lợi ích dân tộc là trên hết, đã gắn kết nền KT Việt Nam với nền KTTT trên toàn cầu.

Gần đây nhất, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (1/2021) nhận định: “Nhận thức về nền KTTT định hướng XHCN ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới”[2]. “Thể chế KTTT định hướng XHCN đang dần được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập”[3]. Điều đó đã thể hiện tư duy nhất quán của Đảng trong việc xây dựng và dần hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN, ngày càng đáp ứng được thực tiễn phát triển KT trong nước và hội nhập với KT quốc tế.

          Sau 35 năm đổi mới, nền KT Việt Nam đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8%[4]. Liên tiếp trong 4 năm, từ năm 2016 - 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền KT mới nổi thành công nhất[5]. Đặc biệt, trong năm 2020, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của đại dịch COVID-19, KT Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm (2016 - 2020) tăng trung bình 5,9%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 3.500 USD. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Xếp hạng về phát triển bền vững của Việt Nam đã tăng từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020[6], cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển KT.

  Những thành tựu nổi bật nêu trên là minh chứng rõ nhất cho tính đúng đắn của việc xây dựng nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam, đồng thời cũng tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về mô hình KTTT định hướng XHCN. Xây dựng nền KT độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập KT quốc tế. Điều đó không chỉ đảm bảo cho sự phát triển đồng bộ, hài hoà và bền vững KT- XH đất nước, tạo tiền đề xây dựng thành công CNXH hiện thực ở Việt Nam mà còn góp phần bổ sung, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại mới.

 

 

 

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, số 725-CV/VPTW ngày 17/5/2021: Bài viết của đồng chí TBT Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 1991.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, tập 1, tập 2.
  5. Đại học Quốc gia Hà Nội: Một số chuyên đề về đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội 2008.
  6. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Kinh tế chính trị Mác – Lênin, dùng cho hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội 2021.
  7. http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Kinh-te-Viet-Nam-20162019-va-dinh-huong-2020/385934.vgp
  8. https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/vi-the-va-co-do-kinh-te-viet-nam-631311/
  9. http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Phat-trien-ben-vung-la-viec-phai-lam/416696.vgp

 

 

 

 

 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, Nxb Sự thật, H.1991, tr.161.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, t. I, tr. 59-60.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, t. II, tr. 31.

 

[4] http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Kinh-te-Viet-Nam-20162019-va-dinh-huong-2020/385934.vgp

 

[5] https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/vi-the-va-co-do-kinh-te-viet-nam-631311/

 

[6] http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Phat-trien-ben-vung-la-viec-phai-lam/416696.vgp

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN