Banner
Trang chủ BỘ MÔN Bộ môn Khoa học xã hội

TS. Vũ Hồng Thái- Tóm tắt Seminar T6-2022

12/06/2022 08:00 - Xem: 969

KHÁI QUÁT VỀ TRÒ CHƠI VẬN ĐỘNG

I. Khái niệm, nguồn gốc và quá trình phát triển của trò chơi

1. Khái niệm

Trò chơi là một hoạt động của con người nó được cấu thành bởi hai yếu tố: Vui chơi giải trí và giáo dục giáo dưỡng.

- Vui chơi giải trí nhằm thoả mãn những yêu cầu về mặt tinh thần của con người với nhiều ý nghĩa khác nhau.

- Giáo dục và giáo dưỡng: Thông qua vui chơi con người hình thành được những phẩm chất đạo đức tốt đẹp như: lòng dũng cảm, tình đoàn kết, ý chí quyết thắng... mặt khác các kỹ năng, kỹ xảo cần thiết cho cuộc sống được trang bị hoàn thiện.

2. Nguồn gốc nảy sinh và phát triển của trò chơi

Trò chơi là hình thức hoạt động tự nhiên được xuất hiện do nhu cầu về tinh thần cũng như thể chất của con người từ xa x­ưa. Từ thời sơ khai của xã hội loài người, cuộc đấu tranh sinh tồn trước hoàn cảnh tự nhiên cũng như xã hội đã buộc loài người phải sáng tạo trong lao động và tự vệ. Con người thường xuyên phải năng động để tạo ra nhiều sản phẩm cho cộng đồng cũng như chiến đấu chống các thế lực đối lập để duy trì sự tồn tại. Thời điểm này càng chứng tỏ sự tổn tại của con người phụ thuộc trực tiếp vào trình độ chuẩn bị và phát triển các tố chất thể lực. Nhiều bộ tộc cổ đại đã biết sử dụng trò chơi cũng như các bài tập phát triển thể lực như một phương tiện đặc biệt nhằm chuẩn bị cho con người bước vào lao động tự nhiên. Những trò chơi và các bài tập thể lực là các hoạt động leo trèo, chạy, nhảy, ném thực chất là sự tái diễn các thao tác trong đời sống chiến đấu lao động của con người. Mục đích để con người hoạt động có hiệu quả hơn. Dần dần các bài tập tự nhiên được thay thế bằng các bài tập phân tích, ở vào thời điểm này chính là sự ra đời của trò chơi vận động. Như vậy trò chơi là sự phản ánh những hoạt động sống của con người và nảy sinh từ thực tiễn lao động. Ăng ghen nhận định: “Lao động là nguồn gốc quyết định sự phát triển của xã hội loài người” vì thế trò chơi có nguồn gốc từ lao động.

3. Quá trình phát triển của trò chơi

Trải qua nhiều thời kỳ phát triển của xã hội loài người để hình thành hệ thống các hoạt động hoàn thiện như ngày nay trò chơi cũng trải qua các giai đoạn lịch sử trong quá trình tiến hoá của xã hội:

- Trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ:

Trò chơi mang ý nghĩa chân chính, cuộc sống tự nhiên đòi hỏi mọi thành viên trong xã hội phải có sự chuẩn bị nhất định về thể lực như khoẻ mạnh, bền bỉ, nhanh nhẹn, khéo léo... để hoàn thành tốt những công việc như săn bắn, hái lượm, chiến tranh và phòng ngừa thiên tai. Sự tồn tại của một bộ tộc là phụ thuộc chủ yếu vào trình độ chuẩn bị và phát triển các tố chất thể lực. Thời kỳ này trò chơi còn được coi như một sinh hoạt văn hoá sử dụng trong những ngày lễ hội như săn bắt được nhiều muông thú, ngày chiến thắng kẻ thù hay vượt khỏi thiên tai.

- Trong thời kỳ chiến hữu nô lệ:

Điển hình là thời cổ Hy Lạp lúc này xã hội đã có giai cấp (chủ nô và người nô lệ). Các chủ nô đã biết tận dụng các bài tập thể chất  trong đó có trò chơi để tăng cường thể lực cho binh lính nhằm phục vụ cho các cuộc chiến tranh xâm lược và đàn áp người nô lệ. Trò chơi thời kỳ này ngoài phục vụ cho sở thích, nhu cầu tinh thần của mọi người nó còn được coi là phương tiện phục vụ cho giai cấp thống trị. Là một hoạt động cơ bản trong các lễ hội.

- Trong chế độ phong kiến:

Cùng với các nội dung GDTC, trò chơi được giai cấp phong kiến tận dụng phục vụ lợi ích của giai cấp mình. Giai cấp phong kiến lợi dụng những sinh hoạt văn hoá trong đó có trò chơi nhằm ru ngủ người lao động, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, làm họ quên đi nỗi bất công trong xã hội làm giảm tinh thần đấu tranh vì tự do công bằng của quần chúng. Đó là những cuộc vui chơi, hội hè kéo dài trong các cuộc lễ tết. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã cảnh tỉnh quần chúng nhân dân thông qua ngòi bút của mình đó là: Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan, Hội Tây của Tú Xương...

- Trong xã hội phát triển:

Cùng với sự nhảy vọt của nền khoa học kỹ thuật, trò chơi lúc này vẫn là hiện tượng không thể thiếu của mọi tầng lớp trong xã hội. Đồng thời trong giai đoạn này đã xuất hiện cơ sở về lý luận GDTC nói chung trong đó có trò chơi. Trò chơi được đưa vào hệ thống giáo dục trẻ em nó được phát triển đa dạng, phong phú cả về nội dung và hình thức. Lúc này giai cấp tư­ sản vẫn tiếp tục sử dụng trò chơi nhằm đánh lạc hướng quần chúng lao động đặc biệt là thanh niên rời khỏi đời sống chính trị và phong trào cách mạng đồng thời kích động đào tạo thanh niên chuẩn bị cho những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Ở những nước có chế độ xã hội tiến bộ trò chơi được sử dụng để tăng cường sức khoẻ cho học sinh, sinh viên và mọi tầng lớp trong xã hội. Giai đoạn này có nhiều lý luận thể hiện những quan điểm khác nhau về nguồn gốc của trò chơi. Quan điểm duy tâm cho rằng ý thức có trước vật chất và kết luận sự tồn tại của tự nhiên xã hội đều được định sẵn không thay thế được hoạt động của con người cũng như muôn loài đều là hoạt động bản năng như con chim biết hót, con cá biết bơi, con công biết múa, con người biết chơi đó đều là do đấng tối cao ban cho.

Đại diện của quan điểm này là của Gờ Rốc Xơ cho rằng lịch sử xã hội loài người như sự phát triển của một đứa trẻ đó là chơi trước khi lao động. Lý luận của nhà sinh học đơn thuần Bi U Kha thì cho rằng trò chơi của trẻ em giống như trò chơi của các loài vật, nó chỉ được tiến hành khi ăn no, dư thừa năng lượng, nó mang tính bẩm sinh di truyền và cố định. Còn quan điểm tiến bộ của những nhà duy vật cho trò chơi có nguồn gốc từ lao động, lao động sáng tạo ra loài người, lao động sinh ra ngôn ngữ từ đó mới có các quy tắc, luật lệ và mới có trò chơi.

Quan điểm sinh học đúng đắn của Páp Lốp (PavLov nhà bác học người Nga) khẳng định rằng trò chơi của loài vật là hoạt động mang tính bản năng dựa trên cơ sở của hệ thống tín hiệu thứ nhất (đơn giản). Còn con người khi có tiếng nói, chữ viết (tín hiệu của tín hiệu) những thao tác trong lao động, sản xuất chiến đấu thông qua tư duy sáng tạo đã hình thành những trò chơi. Ngày nay trò chơi đã trở thành một bộ phận của giáo dục toàn diện. Tóm lại cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội loài người, trò chơi là một hệ thống các bài tập thể chất nhằm tăng cường sức khoẻ, khả năng lao động sáng tạo và tinh thần sảng khoái cho mọi người.

Tóm lại: Trò chơi mang tính giai cấp vì dưới mỗi chế độ xã hội khác nhau, trò chơi được sử dụng với mục đích khác nhau.

II. Phân loại, tác dụng, ý nghĩa, đặc điểm của trò chơi

1.Phân loại

Do trò chơi rất phong phú, đa dạng và được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau đặc biệt là phương tiên GDTC cho học sinh, nên việc phân loại rất phức tạp và khó khăn. Dưới đây là một số cách phân loại:

- Cách phân loại căn cứ vào những động tác cơ bản.

- Cách phân loại căn cứ vào sự phát triển tố chất.

- Cách phân loại căn cứ vào khối lượng vận động.

- Cách phân loại căn cứ vào hình thức tổ chức chơi.

2. Tác dụng

Trò chơi được cấu tạo bởi hình thức vận động tự nhiên đơn giản, đa dạng cùng với các bài tập thể thao khác từng bước góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của cơ thể học sinh.

Cụ thể:

- Trò chơi tăng cường sự phát triển hoàn thiện của hệ vận động bao gồm xương, khớp, cơ, dây chằng, thần kinh cơ. Hoạt động vận động kích thích sự phát triển và độ bền vững của xương, tăng cường độ linh hoạt và bền vững của khớp, kích thích sự phát triển về độ lớn cũng như chất lượng cơ, tăng số lượng đơn vị vận động của thần kinh cơ.

- Thúc đẩy sự phát triển và củng cố các cơ quan nội tạng đặc biệt ở lứa tuổi học sinh phổ thông, giúp cho sự thích nghi ngày càng nhiều trước nhu cầu vận động, cụ thể: Hoàn thiện và tăng cường hệ chức năng hệ tuần hoàn giúp cho sự phát triển độ dày và sức mạnh cơ tim, tăng thể tích buồng tim dẫn tới thể tích tâm thu ngày càng lớn. Tăng cường tập luyện còn làm cho mạch máu tăng tính đàn hồi, tần số mạch giảm, tăng hiệu suất làm việc của hệ tuần hoàn đáp ứng được nhu cầu vận động.

- Đối với hệ hô hấp, trò chơi làm tăng nhu cầu ôxy vì thế cơ quan hô hấp phải tích cực hoạt động, quá trình vận động đó làm cho lồng ngực phát triển, phổi nở nang, tăng cường sức mạnh các cơ hô hấp. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi khí giữa máu và môi trường (hô hấp ngoài), giữa máu và tổ chức (hô hấp trong).

- Đối với hệ thần kinh, trò chơi phát triển tốt hoạt động của hệ thần kinh như­ thúc đẩy sự hình thành kỹ năng, kỹ xảo cơ bản. Gây hứng thú và cảm giác thoải mái tạo điều kiện cho các em tiếp thu tốt kiến thức các môn văn hoá khác. Mặt khác, trước nhu cầu vận động thần kinh cơ cũng được cải thiện cụ thể các đơn vị vận động được tăng lên làm cho hoạt động cơ bắp được linh hoạt, phát huy khả năng sức nhanh, mạnh, bền và khéo léo. Trò chơi còn góp phần lớn vào việc phát triển các tố chất thể lực cho học sinh, giúp các em củng cố ôn luyện những kỹ thuật TDTT như khả năng chạy, nhảy... Qua đó các kỹ xảo cần thiết cho cuộc sống ngày càng được trang bị hoàn thiện như leo trèo, chạy nhảy, vượt chướng ngại vật… trò chơi còn góp phần xây dựng đạo đức con người mới như tính dũng cảm, tình đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật, lòng kiên trì, ý trí quyết thắng.

Như vậy ta thấy rằng trò chơi có tác dụng lớn trong việc giáo dục và hình thành kỹ năng cho học sinh. Nó không những thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển cơ thể các em mà còn nâng cao được nhận thức đúng đắn và phẩm chất của con người trong xã hội mới.

3. Ý nghĩa của trò chơi đối hoạt động TDTT

Trong lĩnh vực thể thao trò chơi được sử dụng với ý nghĩa sau:

- Dùng cho khởi động chung trước các buổi tập.

- Thông quan trò chơi phát hiện những tài năng và tố chất bẩm sinh giúp cho việc tuyển chọn vận động viên trẻ.

- Là những bài tập bổ trợ phát triển thể lực, rèn luyện tố chất: sức nhanh di động, sức bền chuyên môn, khéo léo linh hoạt...

- Là những bài tập giải trí và thả lỏng cơ bắp sau hoạt động căng thẳng.

4. Đặc điểm của trò chơi

- Trò chơi vận động mang tính tư tưởng cao vì: hầu hết các trò chơi đã mang tính mục đích rõ ràng trong quá trình chơi quan hệ giữa cá nhân và trách nhiệm trước tập thể được hình thành. Thông qua đó xây dựng cho học sinh tính sáng tạo trong hoạt động góp phần giáo dục nhân cách con người.

- Trò chơi vận động mang tính chủ động tự giác và tích cực vì trò chơi là nhu cầu của mọi người đặc biệt là trẻ em. Dù không được hướng dẫn các em vẫn chủ động chơi một cách tích cực và tự giác.

- Trò chơi vận động mang tính thi đua, các em luôn khắc phục khó khăn phấn đấu hết khả năng để mang lại thắng lợi cho cá nhân cũng như cho đội mình. Trong quá trình chơi biểu lộ tình cảm là đặc điểm được thể hiện rất rõ ràng (vui khi thắng lợi, buồn khi thất bại).

- Từ những đặc điểm trên khi chơi các em thường vận dụng hết khả năng kỹ chiến thuật và sức lực vì vậy lượng vận động trong trò chơi không thể định mức được. Đây là đặc điểm quan trọng, giáo viên phải hết sức chú ý khi tổ chức cho các em chơi để tránh dẫn tới tình trạng mệt mỏi quá sức. Muốn vậy cần lưu ý: dựa vào đặc điểm đối tượng, lứa tuổi, giới tính, sức khoẻ... để kéo dài hoặc rút ngắn cự ly cũng như thời gian, mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi chơi.

5. Phân biệt trò chơi với lao động sản xuất và bài tập thể thao.

 

 

 

Lao động sản xuất

Trò chơi

Bài tập thể thao

Mục đích

Sản xuất ra của cải vật chất.

Vui chơi giải trí.

Thành tích cao.

Tác dụng

Tạo ra giá trị bên ngoài con người.

Giáo dục giáo dưỡng.

Biến đổi chính bản thân con người.

Đặc điểm

- Lao động theo sở thích.

- Lao động có kỹ thuật & kỹ thuật cao (ứng dụng khoa học kỹ thuật).

- Vui chơi là chính

- Lượng vận động không định mức được.

- Hình thành kỹ năng, kỹ xảo.

- Lượng vận động được định mức chặt chẽ.

Kết quả

Tạo ra của cải vật chất cho xã hội và nuôi sống con người.

Đáp ứng nhu cầu tinh thần là chính.

Tạo được thành tích thể thao cao.

 

 

6. Khuynh hướng vận dụng

Do ý nghĩa vai trò của trò chơi trong cuộc sống nên được đưa vào vận dụng theo một số khuynh hướng sau:

- Đ­ưa vào hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học.

- Đưa vào lực lượng vũ trang để tăng cường thể lực cho chiến sĩ.

- Đ­ưa vào trong các lễ hội truyền thống của dân tộc.

- Đưa vào hoạt động trong những vùng đông dân cư.

- Đưa vào những nơi du lịch, nghỉ mát, an dưỡng nhằm góp phần phục hồi thể lực cho người lao động.

- Đưa vào trong các câu lạc bộ thể dục, thẩm mỹ, võ thuật... .

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN