Banner
Trang chủ BỘ MÔN Bộ môn Khoa học xã hội

ThS Nguyễn Thị Thúy - Seminar T4-2022 "THỰC HÀNH DÂN CHỦ TRONG CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 Ở NƯỚC TA HIỆN NAY"

27/04/2022 10:00 - Xem: 551

 

  1. Đặt vấn đề

            Chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam chính thức ra đời sau thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ đó cho đến nay, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền làm chủ thực sự của nhân dân luôn là một trong những vấn đề chính trị - xã hội đặc biệt quan trọng, dành được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và của toàn hệ thống chính trị. Trải qua 35 năm đổi mới, Đảng ta nhận thức ngày càng hoàn chỉnh hơn và sâu sắc hơn việc xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN), khẳng định dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới đất nước. Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, và có tác động rất lớn đến việc đảm bảo quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân. Do đó, việc thực hành dân chủ của người dân Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) có ý nghĩa rất quan trọng góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

  1. Nội dung nghiên cứu
    1. Quá trình ra đời và nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về nền dân chủ XHCN

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã thiết lập chế độ dân chủ nhân dân đầu tiên ở nước ta. Những mục tiêu trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đặt ra bước đầu đã được thực hiện, đó là mục tiêu “độc lập dân tộc”, “người cày có ruộng” và lần đầu tiên ở Việt Nam, những người dân Việt Nam trong độ tuổi quy định được cầm trên tay lá phiếu tự thực hiện quyền dân chủ của mình. Nền dân chủ cộng hòa Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó sau 40 năm và trở thành tiền đề để tiến lên nền dân chủ XHCN.

Kế thừa và vận dụng quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, khi đi vào đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng trong nhận thức lý luận về dân chủ và thực hiện dân chủ.

Đại hội VI mở đầu sự nghiệp đổi mới, khi nhấn mạnh phát huy dân chủ để tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển đất nước, Đảng ta đã khẳng định, “trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”.[Đảng Cộng sản Việt Nam, 2005, tr28]

Tại Đại hội VII, khi thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), Đảng ta đã đưa ra quan niệm mới về dân chủ: “Dân chủ gắn liền với công bằng xã hội phải được thực hiện trong thực tế cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thông qua hoạt động của nhà nước do nhân dân cử ra và bằng các hình thức dân chủ trực tiếp” [Đảng Cộng sản Việt Nam, 2005, tr327].

Vấn đề dân chủ và phát huy dân chủ được Đảng ta ngày càng nhận thức sâu sắc và thể hiện đầy đủ hơn trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011). Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm” [Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011, tr84-85].

Quá trình dân chủ hóa đang ngày càng nâng cao vị thế làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhân dân chính là chủ nhân của đất nước, là chủ thể của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Để phát huy ngày càng tối đa quyền làm chủ của nhân dân, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã có sự bổ sung thêm cụm từ “dân giám sát, dân thụ hưởng” trong phương châm xây dựng nền dân chủ XHCN ở nước ta hiện nay: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” [Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tr173].

Với những quan điểm trên, dân chủ XHCN ở nước ta là chế độ dân chủ thực sự, nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua hình thức trực tiếp và đại diện, thông qua các tổ chức trong hệ thống chính trị XHCN; đúng như điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Chúng ta cần một xã hội, mà trong đó, sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người” [Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 2021].

  1. Thực hành dân chủ trong cuộc CMCN 4.0 ở nước ta hiện nay

CMCN 4.0 là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu để tối ưu hóa mọi quy trình trong công nghệ sản xuất; nó dựa trên nền tảng phát triển công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng lưới internet kết nối toàn cầu.

Sự bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại cho đất nước ta rất nhiều cơ hội mới và thời cơ mới, nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều những thách thức và nguy cơ lớn đối với con người và xã hội trong việc thực hành dân chủ.

  1. Những tác động tích cực của CMCN 4.0 đến thực hiện dân chủ ở nước ta

            Sự phát triển của CMCN 4.0 đã mang lại cho người dân nhiều cơ hội để thực hiện quyền con người và thực hành dân chủ cơ sở, ngày càng nâng cao vị thế của nhân dân trong quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN theo đúng tinh thần mà Bác Hồ đã căn dặn: Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, và bao nhiêu lợi ích đều vì nhân dân.

            CMCN 4.0 đã mang lại lượng tri thức khổng lồ, mở rộng không gian sinh hoạt, gia tăng sự giao lưu hợp tác lẫn nhau của con người trên mọi lĩnh vực và mọi phương diện. Trước những thành tựu của cuộc CMCN4.0, con người ngày càng được tiếp cận với những tri thức mới, có nhiều cơ hội để học tập, giao lưu với bạn bè trên thế giới mà không chịu giới hạn của không gian như trước đây. Với những ứng dụng học tập trực tuyến, người dân có thể tiếp cận với những chương trình học mới của các nước tiên tiến trên thế giới, được trải nghiệm các mô hình học tập hiện đại; điều này đã làm mở mang tri thức, nâng cao năng lực sáng tạo, khả năng làm chủ bản thân cho con người Việt Nam trong thời đại toàn cầu.

            Các ứng dụng của công nghệ mới trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe đã giúp cho người dân Việt Nam được tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại, được hưởng các chế độ và đãi ngộ chăm sóc tốt hơn. Trước đây, nhiều căn bệnh nguy hiểm được cho là không thể chữa trị được như ung thư thì hiện nay với sự phát triển của khoa học, có nhiều máy móc với những sản phẩm thuốc mới được điều chế thành công đã có thể chữa trị khỏi nhiều loại ung thư, làm cho tuổi thọ của người dân Việt Nam đang ngày càng được tăng lên.

            Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, người dân đã có những cơ hội tìm kiếm việc làm thông qua các kênh đăng tuyển trên internet, hay bán hàng online qua các trang mạng xã hội. Có nhiều ngành nghề mới, nhiều trang web ra đời dựa trên ứng dụng của công nghệ số như giao hàng tiết kiệm, chạy xe công nghệ Grap, Be, Now… đã giải quyết vấn đề việc làm cho nhiều lao động tự do; điều này đã giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn ra như hiện nay ở nước ta.

            CMCN 4.0 cũng có sự tác động lớn đến việc thụ hưởng các giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân. Sự phát triển của công nghệ số đã làm biến đổi chuỗi giá trị văn hóa của dân tộc theo hướng đa chiều; quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa toàn cầu được diễn ra với tốc độ nhanh ở ngay trong lòng dân tộc; dựa trên nền tảng số, các nghệ sĩ đã nhạy bén nắm bắt kịp thời xu hướng, tâm lý, nhu cầu của công chúng để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có giá trị… Chính những điều trên đã làm cho nền văn hóa của Việt Nam ngày càng đa dạng và phong phú, văn hóa nghệ thuật đã trở thành một ngành công nghiệp mang hiệu quả kinh tế cao, đồng thời nâng cao mức hưởng thụ tinh thần cho nhân dân.

            Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã giúp cho nhân dân nắm bắt những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách nhanh chóng, chính xác, minh bạch; đồng thời cũng giúp các cơ quan chức năng tiếp cận được nhanh chóng những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, dễ bị tổn thương, cần được sự giúp đỡ của xã hội.

            Nhà nước Việt Nam đã tạo ra nhiều cổng thông tin điện tử, đường dây nóng để tiếp nhận và giải quyết các đơn từ khiếu nại của nhân dân; điều này đã giúp cho người dân có quyền tự do biểu đạt nguyện vọng cũng như phản ánh kết quả giám sát của mình đối với công việc của cán bộ ở cấp cơ sở lên Trung ương, để Đảng và Nhà nước ta kịp thời nắm bắt các tình huống đang diễn ra ở các địa phương một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

            Như vậy, hiện nay công nghệ thông tin được coi là một phương thức giúp người dân thể hiện quyền làm chủ và thực hành dân chủ của mình trong cuộc sống.

b. Những tác động tiêu cực của CMCN 4.0 đến việc thực hiện dân chủ ở nước ta

            CMCN 4.0 đã tạo ra cho con người chúng ta một thế giới mới - thế giới “ảo” qua internet, mọi giao lưu giữa người với người được thực hiện trên internet làm cho con người như lạc vào mê cung, không phân biệt rõ giữa đời thực với hư ảo, giữa cái đúng với cái sai, cái tốt với cái xấu. Con người đang thu hẹp thế giới sống chân thực của mình qua lăng kính ảo internet với những mối quan hệ “ảo”. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực thực hiện quyền làm chủ một cách đúng nghĩa và chính đáng của con người.

            Sự phát triển của công nghệ internet toàn cầu đã tạo điều kiện cho lối sống “sùng ngoại”, “sính ngoại” phát triển, luôn cho rằng học theo phương Tây là tốt nhất, ưu việt nhất mà quên đi những giá trị truyền thống của dân tộc. Họ đề cao cái gọi là tự do “nhân quyền và dân quyền” của phương Tây, tự cho quyền tự do của mình là tối thượng nên dẫn đến những hành vi vượt khỏi khuôn khổ của pháp luật. Chẳng hạn, nhiều blogger lợi dụng mạng internet hô hào khẩu hiệu ‘dân chủ”, “xã hội dân sự”, đòi mang lại “tự do, nhân quyền, dân quyền” để xuyên tạc, bóp méo sự thật về dân chủ ở Việt Nam, bôi nhọ danh dự của nhiều cán bộ nhà nước, phủ nhận những thành quả dân chủ mà Đảng và Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.

            Chính cái được cho là “quyền tự do cá nhân” nên đã dẫn tới hiện tượng xâm phạm quyền riêng tư, quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân trên mạng, điều này đã làm cho rất nhiều kẻ xấu lợi dụng, thực hiện những phi vụ lừa đảo gây thiệt hại cả về người và tài sản của nhân dân.

            Việc ứng dụng công nghệ hiện đại như đưa robot vào trong sản xuất đã dẫn tới mất việc làm nghiêm trọng đối với người lao động. CMCN 4.0 bùng nổ đã dẫn tới nguy cơ phá vỡ sự cân bằng về thị trường lao động truyền thống ở nước ta, dẫn tới sự dư thừa về lao động phổ thông (lao động này lại chiếm tỉ lệ lớn trong lực lượng lao động của Việt Nam) tạo nên sự sụt giảm thu nhập và mức sống của người dân; khoảng cách giàu nghèo và những bất bình đẳng xã hội tăng lên; việc thụ hưởng các giá trị văn hóa tinh thần giữa các nhóm dân cư trong xã hội có sự chênh lệnh lớn.

            Như vậy, sự phát triển mạnh của CMCN 4.0 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đảm bảo quyền con người, đảm bảo dân chủ và công bằng trong thực tiễn ở nước ta.

c. Nguyên nhân của những tác động trên

Theo những tác động trên, có thể rút ra ba nhóm nguyên nhân đang tác động mạnh đến việc thực hiện dân chủ ở nước ta trong bối cảnh CMCN 4.0 như sau:

Đầu tiên, Việt Nam thuộc nhóm những nước đang trong giai đoạn chuyển đổi sang CMCN 4.0; nên khi ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 vào mọi lĩnh vực sẽ tạo ra những thay đổi lớn có tính bước ngoặt, làm phá vỡ môi trường sản xuất truyền thống, phá vỡ những nhận thức căn bản của con người về việc làm và lao động. Rất nhiều cơ hội để mở rộng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần đến với người lao động khi họ nhạy bén, nắm bắt được xu thế của công nghệ; nhưng với rất nhiều người thì đây lại là một thách thức lớn với rất nhiềukhó khăn.

Thứ hai, các cơ chế quản lý, hành lang pháp lý để người dân tiếp cận và ứng dụng công nghệ số vào trong sản xuất và sinh hoạt, hệ thống pháp luật bảo vệ quyền con người trước tác động của CMCN 4.0 ở nước ta chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Đảng và Nhà nước ta cần có những chủ trương, chính sách, pháp luật mang tính chiến lược và sách lược tiếp cận CMCN 4.0 để nâng cao năng lực thích nghi cho các doanh nghiệp, cá nhân trong sản xuất kinh doanh và trong đời sống xã hội.

Thứ ba là vấn đề nhận thức, sự hiểu biết của chính người dân về pháp luật, về CMCN 4.0, về quyền làm chủ và năng lực làm chủ còn nhiều hạn chế.

2.3. Phương hướng và giải pháp cơ bản tiếp tục xây dựng và phát huy dân chủ ở Việt Nam hiện nay

            Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra một số quan điểm sau để tiếp tục chỉ đạo việc phát huy dân chủ XHCN, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân trong giai đoạn mới của đất nước:

            Một là, “Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở.” [Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tr172-173].

            Hai là, Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” [Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tr173]. Để thực hiện tốt phương châm trên thì cần giáo dục nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ của công dân; nâng cao hiểu biết của nhân dân về pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; cần có những cơ chế cụ thể để bảo đảm quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân; từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống giám sát, phản biện xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân từ cấp cơ sở.

            Ba là, khẳng định “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ” [Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tr173], như vậy, hệ thống chính trị XHCN ở nước ta cần xác định cụ thể vai trò, trách nhiệm và nhiệm vụ của từng tổ chức chính trị để hướng tới một mục tiêu chung: tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân.

            Bốn là, để quá trình dân chủ hóa thực sự có hiệu quả thì “Cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội” [Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tr173]. Tính tiên phong, gương mẫu và phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên trong công việc cũng như trong sinh hoạt sẽ là tấm gương để quần chúng nhân dân học tập.

            Năm là, Đảng ta khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ngoại giao nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân” [Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tr173-174]. Nhân dân chính là mục tiêu và động lực của quá trình xây dựng và phát triển nền dân chủ XHCN, vì thế cần phải biết phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế; góp phần quản lý xã hội; xây dựng, quản lý và thụ hưởng văn hóa.

            Sáu là, cần “Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân” [Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tr174]. Để làm được điều này cần phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp của nhà nước; xử lý nghiêm minh, công bằng, khách quan và đủ sức răn đe của trước những hành vi cố tình gây rối hay xâm phạm đến quyền dân chủ của nhân dân đối với những đối tượng có ý đồ xấu  vi phạm đến quyền làm chủ của người dân trong xã hội.

  1. Kết luận

            Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với những cơ hội và thách thức lớn cho việc phát huy tối đa quyền làm chủ và thực hành dân chủ của nhân dân thì Đảng và nhà nước cần thực hiện tốt nguyên tắc “dân là chủ và dân làm chủ”, nhân dân là chủ thể của đất nước; và phải coi đây là nguyên tắc có tính sống còn của cách mạng dân tộc thì chắc chắn sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sẽ nhanh chóng thắng lợi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb. CTQG, HN.2011.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, HN.2011.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, HN.2016.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, HN.2021, tập 1.
  6. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, ngày 16 tháng 5 năm 2021.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN