Banner
Trang chủ BỘ MÔN Bộ môn Khoa học xã hội

ThS. Phạm Tùng Hương - Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thảo luận nhóm trong học tập môn “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” tại trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên

22/11/2022 10:25 - Xem: 560
Trước sự phát triển không ngừng của các quốc gia trên thế giới, một trong những tiêu chí để đánh giá vị thế của mỗi nước chính là giáo dục. Thông qua giáo dục sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng để xây dựng, phát triển đất nước. Giáo dục phổ thông cung cấp cho học sinh những kiến thức nền tảng, còn giáo dục đại học là nơi thể hiện sự trưởng thành của người học về mức độ tri thức, kỹ năng nghề nghiệp và là cơ hội để phát triển cá nhân và cải tiến chất lượng cuộc sống trong tương lai

1. Đặt vấn đề

Trước sự phát triển không ngừng của các quốc gia trên thế giới, một trong những tiêu chí để đánh giá vị thế của mỗi nước chính là giáo dục. Thông qua giáo dục sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng để xây dựng, phát triển đất nước. Giáo dục phổ thông cung cấp cho học sinh những kiến thức nền tảng, còn giáo dục đại học là nơi thể hiện sự trưởng thành của người học về mức độ tri thức, kỹ năng nghề nghiệp và là cơ hội để phát triển cá nhân và cải tiến chất lượng cuộc sống trong tương lai.

          Hiện nay, xu thế liên kết và hợp tác trong xã hội ngày càng phổ biến,  do vậy kỹ năng hoạt động nhóm trở thành một trong những năng lực quan trọng của con người. Để đáp ứng được nhu cầu của xã hội, đòi hỏi các trường đại học phải trang bị tốt cho sinh viên kỹ năng này.

          Học phần Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (LSĐCSVN) là môn học nghiên cứu sự ra đời, phát triển và hoạt động lãnh đạo của Đảng qua các thời kỳ lịch sử. Để sinh viên không cảm thấy môn học quá khô khan, mang nặng tính chính trị thì đổi mới phương pháp giảng dạy là một yêu cầu thiết yếu. Một trong những phương pháp được tôi lựa chọn chính là tăng cường hoạt động thảo luận nhóm trong các giờ lên lớp.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Vai trò của hoạt động thảo luận nhóm trong giảng dạy

- Thảo luận là hình thức tổ chức cho người học trao đổi, tranh luận các vấn đề học tập, để tự rút ra được các kết luận theo yêu cầu bài học.

- Nhóm là tập hợp gồm nhiều người với trình độ, năng lực, kinh nghiệm,…khác nhau tương tác với nhau vì một mục tiêu chung. Để đạt được mục tiêu, yêu cầu các thành viên trong nhóm phải cùng làm việc, vì mỗi phần chuẩn bị của cá nhân nằm trong nội dung chung. Các nhóm học tập hình thành trong quá trình học tập cùng nhau, cùng nhau giải quyết các nhiệm vụ, vấn đề học tập mà giảng viên (GV) đưa ra. Trong quá trình làm việc nhóm, sinh viên (SV) có cơ hội tiếp thu và phát triển các kỹ năng như: lãnh đạo, thuyết trình, quản lý thời gian, giao tiếp, đàm phán, tranh luận, cùng giải quyết vấn đề…. Làm việc nhóm còn giúp cải thiện kết quả học tập, tăng hứng thú với môn học, tự tin hơn trong giao tiếp, biết cách khẳng định cá tính, năng lực của bản thân cũng như tinh thần trách nhiệm để hoàn thành công việc chung.

2.2. Vai trò của hoạt động thảo luận nhóm trong môn LSĐCSVN

Môn LSĐCSVN là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục đại học. Nội dung nghiên cứu của môn học là sự ra đời, phát triển và hoạt động lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Nếu giáo dục truyển thống chủ yếu là thuyết trình một chiều từ GV về những quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng thì thay đổi phương pháp giảng dạy mới, lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực của sinh viên, GV chỉ đóng vai trò người gợi mở vấn đề cho SV. SV từ chỗ bị động tiếp nhận kiến thức, nay là người chủ động tìm hiểu và tiếp cận thông tin. Điều này sẽ giúp cho những nội dung vốn khô khan trở nên dễ chuyển hóa hơn và trở thành những giá trị, niềm tin, lí tưởng, lập trường tư tưởng, chính trị cho người học. Qua đó, trang bị cho SV thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận, ý thức hệ và hình thành được tính độc lập trong tư duy và sử dụng được lí luận, tri thức, kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn mà không phụ thuộc vào người khác. Việc này sẽ góp phần định hướng tư tưởng chính trị cho SV, góp phần hình thành một đội ngũ nhân lực vừa có trình độ chuyên môn cao vừa vững vàng về tư tưởng, lập trường.

Thông qua thảo luận nhóm, GV sẽ giúp SV hiểu đúng bản chất những nội dung về đường lối, chính sách của Đảng bằng việc giao chủ đề chuẩn bị trước ở nhà, tranh luận, nêu quan điểm giữa các SV, làm sáng tỏ những vấn đề còn vướng mắc. SV chủ động trình bày quan điểm của mình, cùng tranh luận, nêu vấn đề, chất vấn để đi đến sự thống nhất trong nhận thức dẫn đến giờ học luôn sôi nổi, hấp dẫn, hứng thú...; làm cho môn LSĐCSVN vốn trừu tượng trở nên bổ ích, lí thú hơn; ngoài ra, còn góp phần rèn luyện cho SV phương pháp làm việc nhóm, KN thuyết trình, khả năng tự học, tự nghiên cứu và sự tự tin trong giao tiếp.

2.3. Thực trạng tổ chức hoạt động thảo luận nhóm trong môn LSĐCSVN ở trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên.

Theo phân phối chương trình của BGD &ĐT, học phần LSĐCSVN bắt đầu được giảng dạy tại Trường ĐHNL từ năm học 2021-2022. Do trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, nên 100% các lớp năm học 2020-2021 đều học và thi online. Từ năm học 2022-2023, SV học trực tiếp tại trường.

Đa số sinh viên của Trường đều là con em dân tộc thiểu số, sinh sống tại vùng núi, điều kiện kinh tế khó khăn nên kỹ năng mềm của các em như sử dụng công nghệ thông tin, thuyết trình…đều rất hạn chế.

Để nâng cao các kỹ năng mềm cần thiết cho SV, thì học tập trực tuyến hay trực tiếp, GV đều chia nhóm và giao bài tập để SV chuẩn bị và thuyết trình. Mục đích để môn LSĐCSVN thực sự trở thành môn học thiết yếu và thể hiện rõ vai trò là môn định hướng nhận thức tư tưởng, chính trị, góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thông qua những giờ thảo luận, nhìn chung có sự thay đổi của một bộ phận SV như đã mạnh dạn trình quan điểm của mình về những vấn đề mang tính thời sự của đất nước; tích cực tham gia tranh luận với các thành viên khác; liên hệ những điều được học với cuộc sống thực tế; tự rút ra bài học cho bản thân. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại thực trạng ỷ lại vào những bạn có học lực khá, giỏi là năng nổ, tích cực trong việc chuẩn bị các nội dung và hăng hái phát biểu ý kiến... Tất cả những yếu tố đó phần nào ảnh hưởng đến chất lượng của những giờ thảo luận, nên chưa phát huy hết vai trò trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy môn học và góp phần hình thành những kỹ năng cơ bản cho SV trong quá trình học tập.

2.4. Một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thảo luận nhóm trong môn LSĐCSVN

2.4.1. Đối với giảng viên

GV cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của mình trong việc hướng dẫn, giám sát và đánh giá kết quả của SV trong giờ thảo luận.

Trước hết, GV cần xác định đối tượng thảo luận: Mỗi lớp học phần sẽ có nhiều ngành học và trình độ khác nhau nên GV cần xác định: đặc điểm tâm sinh lý của người học, khả năng tư duy để lựa chọn phương pháp, nội dung và thời gian thảo luận.

Về nội dung: GV cần lựa chọn nội dung gợi ra sự tranh luận, mang tính thời sự. Bám sát mục tiêu bài giảng, chuyên ngành và mục tiêu đào tạo. Phù hợp với sinh viên. Rõ ràng, ngắn gọn.

VD: Chương 1: ĐCSVN ra đời và lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), GV có thể đưa ra chủ đề:

1. Chứng minh rằng sự ra đời của ĐCSVN là một tất yếu lịch sử.

2. Một số nhà sử học phương Tây cho rằng, Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam là sự ăn may, quan điểm của nhóm về quan điểm này

Về thời gian: GV cần cân nhắc thời lượng vừa đủ cho: Thời gian đặt những câu hỏi; tìm hiểu và thống nhất ý kiến; thuyết trình; thông tin phản hồi và tổng kết - thống nhất thông tin.

 Để làm được điều này, GV phải không ngừng học tập, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, đổi mới về phương pháp giảng dạy cho phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại; thường xuyên cập nhật những thông tin mới và các vấn đề thực tiễn, tình hình thời sự của đất nước để làm phong phú thêm nội dung cho bài học, để định hướng SV biết quan tâm tới các vấn đề của xã hội; xây dựng và hoàn hiện đề cương chi tiết môn học, giáo án theo yêu cầu mới làm cơ sở để xây dựng nhiệm vụ học tập cho SV trong từng bài; GV có nhiệm vụ giải thích những vấn đề mà SV thấy khó khăn khi tự đọc, tự nghiên cứu tài liệu.

Khi SV tiến hành thảo luận, GV chuyển từ vị trí “người hướng dẫn” sang “người giám sát”, di chuyển vòng quanh các nhóm, nắm bắt tình hình hoạt động của mỗi nhóm, quan sát, lắng nghe, nhắc nhở hoặc có thể gợi ý khi cần.

GV cần kịp thời điều chỉnh, chốt lại nội dung cần đạt được của mỗi vấn đề thảo luận; sửa chữa những nội dung chưa đúng hoặc trái với chủ đề; tăng cường kiểm tra, đánh giá đối với từng SV, có những hình thức biểu dương kịp thời đối với các SV tích cực; nhắc nhở những SV còn thiếu nghiêm túc trong hoạt động thảo luận.

2.4.2 Đối với sinh viên

SV cần có thái độ, động cơ học tập đúng đắn, phải chuẩn bị những nội dung, phương tiện, tài liệu trước khi tiến hành thảo luận.

Trong khi tiến hành thảo luận, SV phải bám sát vấn đề trọng tâm, trình bày ý kiến rõ ràng, ngắn gọn; chủ động trao đổi với GV những vấn đề còn vướng mắc; biết lắng nghe, nhận xét, bổ sung ý kiến cho nhau, cho nhóm đang trình bày, đặt lại câu hỏi nếu thấy chưa rõ; các ý kiến trình bày, tranh luận phải được tiếp thu và đưa ra các căn cứ khoa học, xác đáng để bảo vệ quan điểm của mình và tất cả phải dựa trên cơ sở tôn trọng, học hỏi lẫn nhau.

Khi kết thúc giờ thảo luận, làm bài tập, SV phải tự đưa ra những nhận xét, đánh giá của mình về những mặt làm được và chưa làm được; từ đó rút ra bài học trên cơ sở đánh giá, nhận xét cuối cùng của GV.

3. Kết luận

Để đáp ứng những yêu cầu mới của xã hội ngày nay về nguồn nhân lực thì đổi mới hoạt động giảng dạy là vấn đề tất yếu. Một trong những giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng giảng dạy, phát huy tính tích cực, chủ động của SV là tăng cường những giờ hoạt động nhóm bên cạnh những giờ học lí thuyết trên lớp. Việc học tập thông qua nhóm sẽ giúp SV thay đổi tư duy theo hướng tích cực, chủ động và có trách nhiệm với hoạt động học tập của mình; là môi trường để rèn luyện những kỹ năng như thuyết trình, lắng nghe, giải quyết mâu thuẫn…. Điều này vừa tạo ra hứng thú, say mê trong học tập, vừa hình thành thói quen chủ động trong tư duy cho SV, rèn các kỹ năng mềm cần có cho tương lai. Qua đó, góp phần vào việc hình thành nên nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng được sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước và vươn tầm ra thế giới.

Tài liệu tham khảo

 [1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.

 [2] Nguyễn Thị Quỳnh Anh (2016), Đổi mới phương pháp giảng dạy các học phần Lí luận chính trị trong các trường đại học hiện nay, Tạp chí Giáo dục lí luận, số 245/5, tr 242-243.

[3] ThS. Nguyễn Hoài Nhân - ThS. Dương Xuân Vương (2020), Nâng cao hiệu quả của phương pháp thảo luận nhóm trong giảng dạy đại học, Tạp chí Công thương online.

 

 

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN