Banner
Trang chủ BỘ MÔN Bộ môn Khoa học xã hội

Ths. Dương Thế Hiển - “Định hướng sống “Khỏe” cho sinh viên trường ĐH Nông Lâm sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19”

29/12/2022 09:36 - Xem: 542
Tính đến thời điểm hiện tại cũng đã gần một năm kể từ khi Việt Nam công bố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và kết thúc giai đoạn giãn cách xã hội. Cuộc sống của người dân nói chung và sinh viên trường ĐHNL nói riêng cũng đã dần ổn định lại như trước khi xuất hiện của dịch bệnh.

1. Đặt vấn đề.

            Tính đến thời điểm hiện tại cũng đã gần một năm kể từ khi Việt Nam công bố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và kết thúc giai đoạn giãn cách xã hội. Cuộc sống của người dân nói chung và sinh viên trường ĐHNL nói riêng cũng đã dần ổn định lại như trước khi xuất hiện của dịch bệnh.

Tháng 8 vừa qua, sinh viên Nhà trường đã được quay trở lại nhà trường để học tập, sinh hoạt và làm việc. Tuy nhiên, trong quá trình quan sát, tìm hiểu và tiếp cận; nhận thấy đại đa số các bạn sinh viên sau thời gian nghỉ giãn cách do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19 đã có những biểu hiện khác lạ về tâm lý, tư duy, thể trạng; tác phong chưa thực sự chuẩn mực, xa rời thực tế và “lười vận động”... Nhận thấy đây là một vấn đề cần được quan tâm và xem xét. Tôi đưa ra chủ đề “Định hướng sống “Khỏe” cho sinh viên trường ĐHNL giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19” để nghiên cứu và thảo luận.

2. Cơ sở đưa ra định hướng.

            2.1. Ảnh hưởng của việc áp dụng GCXH tới lối sống của sinh viên.

            - Hạn chế các hoạt động mang tính tương tác xã hội.

            - Hình thức học tập Online khiến tâm lý người học dễ nảy sinh sự chán nản, dẫn đến sự tiêu cực.

            - Không có không gian để rèn luyện, hoạt động thể dục thể thao.

            - Dần trở nên lạm dụng và lệ thuộc vào các thiết bị di động.

            2.2. Đặc điểm phong tục tập quán, văn hóa xã hội

            - Có sự khác biệt lớn giữa các châu lục, các quốc gia phương Đông và phương Tây về cách sinh hoạt, lối sống.

            - Sự khác biệt về vị trí địa lý, dẫn tới sự thay đổi về khí hậu, thời tiết.

            - Khác nhau về chuẩn mực “Cái đẹp”

            2.3. Nguyên tắc Vệ sinh học TDTT

            - Quy định về chế độ dinh dưỡng

            - Quy định về thời gian ăn uống, thời gian nghỉ

            2.4. Nguyên tắc sống “Khỏe”

            a. “Khỏe” về thể trạng, thể chất.

            - Là có sức để làm việc, duy trì vận động; đề kháng tốt, chống trọi với bệnh tật.

            b. “Khỏe” về tâm lý, tinh thần

            - Là sự hạnh phúc, tươi vui; lạc quan yêu đời; quan hệ tốt với những người xung quanh.

3. Nội dung định hướng sống “Khỏe”

3.1. Thiết lập giờ giấc khoa học

Có một giấc ngủ ngon và khoa học giúp cho sinh viên cảm thấy sảng khoái cho ngày hôm sau, bộ não hoạt động hiệu quả hơn khi được nghỉ ngơi tốt vào ban đêm. Có thể tắm trước khi ngủ, điều này khiến bản thân thư giãn, bình tĩnh và dễ đạt được giấc ngủ sâu.

- Mùa hè:

            + Thời gian thức giấc: Từ 05h đến 05h30

            + Thời gian ngủ: Từ 22h đến 22h30

- Mùa đông:

            + Thời gian thức giấc: Từ 06h đến 06h30

            + Thời gian ngủ: Từ 22h30 đến 23h

- Thời gian duy trì giấc ngủ từ 07 – 08 giờ mỗi ngày để giữ gìn sức khỏe và sự tập trung.

3.2. Chế độ vệ sinh ăn uống.

Nên ăn nhiều rau hoặc trái cây trong bữa ăn, tốt nhất là nên tự nấu ăn.

Hạn chế hoặc ngừng ăn đồ ăn vặt, các đồ ăn không rõ xuất xứ, không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Thời gian và chế độ ăn:

            + Bữa chính (từ 6h30 đến 7h): Là khoảng thời gian lý tưởng và tốt nhất để cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ bữa ăn. Nên ăn đầy đủ bữa sáng cả về chất và về lượng. Nếu có bữa sáng đảm bảo, thì giúp sinh viên có đẩy đủ năng lượng để duy trì thời gian học tập, làm việc và hoạt động trong buổi sáng.

            + Bữa phụ (từ 11h đến 11h30): Là khoảng thời gian để sinh viên bổ sung vừa đủ chất dinh dưỡng từ bữa ăn. Có thể bổ sung hàm lượng tương tự như bữa chính, nhưng không nên vượt quá định mức đó. Bữa phụ có tác dụng cung cấp thêm năng lượng cho sinh viên có thể tiếp tục các hoạt động trong buổi trưa và buổi chiều.

            + Bữa bổ sung (Từ 18h đến 18h30): Là khoảng thời gian chủ yếu để cho cơ thể nghỉ ngơi sau một ngày học tập, làm việc. Nên ăn nhẹ nhàng, hàm lượng dinh dưỡng vừa phải, để cho cơ thể hấp thu từ từ. Chú ý bữa bổ sung cần phải ngon miệng để bản thân có một tâm lý thoải mái trước khi bắt đầu giấc ngủ ngon và sâu.

Trước khi bắt đầu mỗi bữa ăn, nên uống một lượng nước lọc vừa phải để bôi trơn đường tiêu hóa, giúp quá trình vận chuyển thức ăn thuận lợi, dễ dàng và tạo cảm giác ngon miệng. Sau mỗi bữa ăn, nên nghỉ ngơi từ 15 phút đến 20 phút để cơ thể hoàn thành việc vận chuyển thức ăn vào dạ dày. Từ 01 giờ đến 02 giờ sau đó, cơ thể hạn chế vận động mạnh để hệ tiêu hóa bắt đầu làm việc.

Hàng ngày, nên bổ sung cho cơ thể một lượng nước vừa đủ, từ 01 đến 02 lít nước lọc sạch.

3.3. Rèn luyện Thể dục thể thao

Đảm bảo bản thân dành thời gian cho việc tập luyện thể dục thể thao. Đây là hoạt động giúp sinh viên có thể tăng cường khả năng miễn dịch và giúp bản thân luôn tràn đầy năng lượng cả ngày.

- Buổi sáng: Tập thể dục nhẹ nhàng với chuỗi các bài tay không sau khi thức giấc (Thời lượng tập từ 15 đến 20 phút)

- Buổi chiều: Tập thể dục thể thao với mục tiêu rèn luyện sức khỏe (Lựa chọn môn theo sở thích để đem lại hứng thú, năng động và sự tự tin nhất). Thời lượng tập từ 01 giờ đến 01 giờ 30 phút.

Sau bài tập buổi chiều kết thúc, nên dành ra 15 phút để thả lỏng và nghỉ ngơi. Hạn chế việc vào phòng lạnh hoặc tắm ngay sau khi ra mồ hôi. Sự thay đổi về nhiệt đột ngột dễ dẫn tới đột quỵ và nhiều bệnh nguy hiểm liên quan.

3.4. Tận dùng thời gian giải trí.

Sinh viên có thể bị căng thẳng khi ôn thi và học tập các học phần khó. Không những vậy, độ tuổi này thường xuất hiện nhiều thăng trầm về tình cảm và dễ bị tổn thương vì những điều này. Căng thẳng dễ dẫn đến các vấn đề về sức khỏe, tiêu cực và hiệu quả học tập, làm việc bị ảnh hưởng. Do vậy cần phải kết hợp cả thời gian giải trí để giải tỏa căng thẳng, nỗi lòng và tâm tư của bản thân.

Tập yoga, thiền là một bài tập rất hiệu quả trong việc giải tỏa căng thẳng.

Có thể chơi game, e-sport cùng bạn bè để giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực, tăng cường sự đoàn kết.

Sử dụng điện thoại để truy cập các hoạt động xã hội khác theo sở thích.

Lưu ý: Giải trí cần phải sử dụng đúng cách, đúng mục đích. Nếu lạm dụng sẽ trở thành tiêu cực, thành thói quen xấu và khó bỏ.

4. Phương pháp thực hiện            

- Quá trình cần thực hiện một các liên tục, đều đặn và duy trì trong thời gian dài để hình thức một lối sống, một thói quen cho bản thân mỗi sinh viên.

- Tùy thuộc vào hiện trạng của mỗi sinh viên mà có cách áp dụng khác nhau.

- Các thầy, cô giáo tự coi mình là những tấm gương để từ đó quan sát, đôn đốc và quan tâm tới sinh viên. Từ đó lan tỏa nội dung muốn truyền tải một cách rộng rãi và phổ biến hơn.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN