Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác phát triển đảng, được nhấn mạnh trong Chỉ thị số 51- CT/TW, ngày 21/01/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) và Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Trong những năm qua, công tác phát triển đảng trong Đảng ủy trường Đại học Nông Lâm nói chung, công tác phát triển đảng viên trong sinh viên của nhà trường nói riêng rất được quan tâm. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, công tác phát triển đảng viên ở Đảng bộ Đại học Nông Lâm vẫn còn bộc lộ những hạn chế.
Trên cơ sở nghiên cứu một số vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn công tác phát triển đảng viên trong sinh viên, cũng như thực trạng công tác phát triển đảng viên trong sinh viên ở đảng bộ trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên, để phát triển tốt hơn nữa công tác phát triển đảng trong sinh viên nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục kết hợp chặt chẽ công tác phát triển đảng viên trong sinh viên với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của Nhà trường.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII về sự đổi mới và mục tiêu của giáo dục đào tạo.
Để thực hiện quan điểm trên, Nhà trường cần kết hợp giữa đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo với đẩy mạnh công tác PTĐV trong sinh viên, coi đây là hai nhiệm vụ chính trị thường xuyên của đơn vị. Thực hiện tốt quá trình đào tạo sinh viên cũng chính là quá trình giáo dục, rèn luyện, thử thách để phát triển đảng viên. Vì vậy nhà trường cần phải:
Quán triệt tinh thần đổi mới giáo dục đào tạo mà văn kiện Đại hội XIII đã nêu khi xây dựng chương trình, nội dung giáo dục. Bên cạnh đó cần chú ý đổi mới trong nội dung và cách thức giảng dạy. Như vậy nội dung giáo dục không chỉ chú ý về đào tạo chuyên môn mà còn chú ý tới rèn luyện nhân cách, đạo đức, hoàn thiện các kỹ năng mềm cho sinh viên.
Đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, khuyến khích và phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của người học gắn lý thuyết với thực hành. Tổ chức tốt việc rèn luyện thử thách quần chúng, đảng viên là sinh viên qua các vị trí thực hành thực tập, huấn luyện ngoại khóa, các phong trào của nhà trường.
Hai là, tăng cường giáo dục giác ngộ lý tưởng chủ nghĩa cộng sản, xây dựng động cơ phấn đấu vào Đảng đúng đắn cho giới trẻ
Để tăng cường giáo dục lý tưởng chủ nghĩa cộng sản, xây dựng động cơ vào Đảng đúng đắn cho sinh viên thì cần thiết phải thực hiện những vấn đề sau:
Nâng cao hiệu quả giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng. Đây là một trong những giải pháp nhằm nâng cao nhận thức chính trị cho sinh viên, nhất là tạo môi trường rèn luyện cho sinh viên chuẩn bị kết nạp Đảng. Một trong những biện pháp quan trọng là bồi dưỡng nhận thức chính trị và giác ngộ về Đảng, từng bước xây dựng động cơ phấn đấu vào Đảng đúng đắn cho giới trẻ.
Xây dựng tập thể lớp sinh viên và chi đoàn thanh niên vững mạnh, toàn diện.
Tạo nhiều sân chơi cho sinh viên tham gia, điển hình là tham gia tích cực vào hoạt động của các câu lạc bộ, cũng như các hoạt động của Đoàn, Hội và tại địa phương nhằm thúc đẩy việc học tập cũng như rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và nhận thức trách nhiệm của bản thân, phát huy khả năng của bản thân.
Ba là, phải đẩy mạnh hoạt động phong trào của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên
Đây là lực lượng giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng. Phong trào đoàn, hội phong phú sẽ thu hút được và giáo dục các em để các em có động cơ suy nghĩ vào Đảng đúng đắn, tạo điều kiện cho các em rèn luyện để vào Đảng. Các phong trào cũng cần đổi mới tổ chức, phương thức, nội dung hoạt động, quan tâm thiết thực đến sinh viên, những điều sinh viên cần, từ học tập, đời sống vật chất, tinh thần, tâm tư, tình cảm. Phải chăm lo đến quyền lợi của các em, trong đó có quyền lợi chính trị. Nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp về tiêu chuẩn học tập, rèn luyện của sinh viên khi xét kết nạp Ðảng. Xây dựng mô hình hoạt động, sinh hoạt phù hợp để sinh viên là đảng viên phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của mình.
Bốn là, thực hiện tốt công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên là sinh viên.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên là sinh viên ngay từ năm thứ nhất, thứ hai, có như vậy mới kịp để phát triển đảng viên trong 4 năm ĐH, đồng thời tạo môi trường để sinh viên rèn luyện; đồng thời tiếp nhận, quản lý thông tin liên quan đến sinh viên; quan tâm, giáo dục, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên từ các sinh viên học tập tốt và tham gia các hoạt động phong trào tại nơi học tập, nơi cư trú.
Năm là, thực hiện tốt công tác theo dõi, giáo dục, bồi dưỡng sau kết nạp
Giáo dục quán triệt đảng viên dự bị nhận thức đúng đắn về thời gian dự bị của mình, từ đó tích cực tự giác phấn đấu, chống nhận thức lệch lạc coi việc kết nạp là xong hoàn thành nhiệm vụ phấn đấu. Trong thời kỳ này, đảng viên mới kết nạp sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa. Đây cũng là thời kỳ để tổ chức đảng tiếp tục kiểm tra, xem xét thách thức giúp đỡ đảng viên dự bị về mọi mặt.
Sáu là, có thể tiến hành thành lập chi bộ sinh viên.
Lứa tuổi sinh viên có đặc điểm tâm sinh lý đang phát triển và dần hoàn thiện. Họ luôn giữ gìn truyền thống tôn sư trọng đạo. Do vậy, những sinh viên là đảng viên cùng tham gia sinh hoạt chung với cán bộ, giảng viên sẽ có một cản trở tâm lý rất lớn, không mạnh dạn trong tự phê bình và phê bình, có thái độ dựa dẫm vào công tác Đảng. Do vậy, việc thành lập chi bộ sinh viên được coi là giải pháp tối ưu.
Tác giả: ThS Ngô Thị Quang