Đoàn kết là một trong những truyền thống quý báu làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam, nó giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy một cách cao độ, trở thành động lực và sức mạnh chủ yếu của dân tộc, là một trong những nhân tố có tính quyết định đến thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trên các chặng đường lịch sử: đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975), bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975-1986) và tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, hội nhập quốc tế (từ năm 1986 đến nay). Đặc biệt trong cuộc chiến chống covid hiện nay, tinh thần ấy được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Covid 19 hay còn gọi là virus Corona là chủng virus mới chưa từng xuất hiện ở người, có tên gọi từ nguồn gốc tiếng Latin. Xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 12/2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc) đến nay virut conona đã lan rộng ra 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 223 triệu người mắc trong đó có 4,6 triệu người tử vong. Không những thế, sau hơn 1 năm, chủng virus này cũng liên tục biến đổi với tốc độ lây lan nhanh, hệ số lây nhiễm cao hơn, chu kì lây nhiễm ngắn hơn và có khả năng lây qua không khí thay vì qua tiếp xúc gần từ người sang người như lúc ban đầu.
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, với chủ trương đúng đắn, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân với tinh thần “chống dịch như chống giặc” Việt Nam đã kiểm soát, khống chế thành công cả 3 đợt dịch bùng phát trong cộng đồng, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, coi là tấm gương trong phòng chống dịch covid.
Tuy nhiên, trong đợt dịch thứ 4, biến chủng Delta với tốc độ siêu lây nhiễm, đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn và sức khỏe của nhân dân ta. Sau những thành công ở giai đoạn đầu, trong những ngày vừa qua, chúng ta liên tục ghi nhận số lượng ca nhiễm tăng cao lên đến hơn chục nghìn ca nhiễm mỗi ngày ở hầu hết các địa phương trong cả nước, đặc biệt là những thành phố có mức độ dân số cao như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang… Dịch bệnh đã làm cho xã hội bị xáo trộn, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là với những người dân nghèo. Rất nhiều gia đình đã mất việc làm, hoặc thu nhập rơi vào tình trạng hết sức bấp bênh, … Nhưng chính trong hoàn cảnh đó, chúng ta lại nhìn thấy một Việt Nam đồng sức đồng lòng cùng nhau vượt qua khó khăn, quyết tâm chiến thắng đại dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại nhiều địa phương trên cả nước, ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết của dân tộc, tạo nên sức mạnh và niềm tin để Việt Nam vững vàng vượt qua đại dịch.
Để đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho người dân sớm được tiêm vắc xin nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng, Đảng và Chính phủ đã chủ trương đẩy mạnh công tác ngoại giao vắc xin. Ngày 26/5/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Qũy vắc xin nhằm huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân. Đến nay, quỹ vắc xin đã huy động được 8.663 tỷ đồng với sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đó là tấm lòng của những em bé dành tiền ăn sáng, các cụ già dành tiền lương hưu, tiền tiết kiệm, những phụ nữ tiết kiệm chi tiêu, những công chức, viên chức, công nhân tiết kiệm ngày lương để ủng hộ, kiều bào ta ở nước ngoài trực tiếp hoặc nhờ người thân đóng góp Quỹ. Hàng trăm doanh nghiệp mặc dù phải đối mặt với khó khăn do tác động dịch bệnh nhưng rất tích cực đóng góp cho Quỹ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ ra mắt quỹ vắc xin phòng chống COVID-19. (Ảnh: TTXVN)
Trong đợt dịch lần này, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam là những địa phương chịu ảnh hưởng rất lớn. Thực hiện lời kêu gọi toàn quân, toàn dân chung tay phòng chống dịch của Chính phủ, các địa phương trong cả nước như Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ… đã cử các đoàn cán bộ y tế lên đường hỗ trợ miền Nam chống dịch. Đây đều là những nhân viên y tế có kinh nghiệm trong chống dịch, có năng lực chuyên môn tốt, không ngại khó, không ngại hi sinh gian khổ, sẵn sàng đem kiến thức, kinh nghiệm để hỗ trợ điều trị cho những bệnh nhân Covid – 19. Họ thực sự là những chiến binh dũng cảm nơi tuyến đầu chống dịch.
Đoàn cán bộ y tế Thái Nguyên lên đường vào phía Nam thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh: congdoanyte.org.vn)
Ngoài ra, để khắc phục những khó khăn do covid 19, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái "mình vì mọi người và mọi người vì mình", "thương người như thể thương thân" đã được thắp sáng và lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều cá nhân, tổ chức đã đứng lên quyên góp hay trực tiếp đến giúp đỡ bà con khó khăn do dịch bệnh. Những cây "ATM gạo", những siêu thị 0 đồng được thiết lập ở giữa tâm dịch; những mớ rau, quả trứng… được giao tận tay những người cách ly tại nhà… Nhiều câu chuyện đẹp và cảm động, những tấm gương sáng, sự hi sinh thầm lặng của những chiến sĩ áo trắng đã được lan tỏa. Chính những hành động nhỏ đó đã tạo nên sức mạnh to lớn giúp những người bệnh vươn lên chiến thắng dịch bệnh.
Siêu thị 0 đồng tại Hà Nội. (Ảnh: báo vietnamnet.vn)
Hiện nay, dịch bệnh còn đang diễn biến hết sức phức tạp, mỗi người dân chúng ta cần thực hiện tốt những quy định trong phòng chống covid như 5k cộng vắc xin, tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình thực hiện lời kêu gọi “ở nhà là yêu nước”. Hơn lúc nào hết, trong cuộc chiến này chúng ta cần sự chung tay, đồng lòng của cả dân tộc, phát huy cao hơn nữa tinh thần đoàn kết toàn dân tộc với phương châm “mỗi người dân là một chiến sĩ” để đẩy lùi covid, nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.