Ngày 19/11 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, đánh dấu bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ đo lường nghèo theo thu nhập sang đo lường đa chiều.
Theo đó, các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 gồm các tiêu chí về thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận 5 dịch vụ xã hội cơ bản và được đo lường bằng 10 chỉ số cơ bản
Theo chuẩn nghèo đa chiều, hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ nghèo khu vực thành thị là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; Hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Trên cơ sở chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX đã ban hành Nghị quyết xác định chỉ tiêu “giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 2% trở lên theo chuẩn mới”, địa bàn xã đặc biệt khó khăn giảm 3,5% trở lên, đồng thời tập trung chỉ đạo xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện đạt kết quả cao:
Một là: Chỉ tiêu giảm nghèo toàn tỉnh và tại các xã đặc biệt khó khăn vượt so với kế hoạch đề ra. Sau 5 năm thưc hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã giảm nghèo được 10,58%, bình quân mỗi năm giảm 2,11% về đích vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra (2%/năm). Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn dưới 3%. Chuyển biến mạnh mẽ nhất là khu vực các xã vùng đặc biệt khó khăn. Đầu năm 2016, số hộ nghèo ở các xã này chiếm 34,23%, đến nay đã giảm xuống còn khoảng 11,6%, bình quân mỗi năm 4,52%, vượt mục tiêu đề ra
Hai là, hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập của hộ nghèo, đặc biệt là các hộ nghèo người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã triển khai 472 dự án cho 39,860 hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào các dân tộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước thay đổi tập quán sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ; có chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động... Đến hết năm 2019, “toàn tỉnh tạo việc làm cho 107.606 lao động, bình quân 21.521 nghìn lao động/năm vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra (chỉ tiêu là 15.000). Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 58.01% cuối năm 2015 lên đến 68,6% cuối năm 2019” tăng 10,05%.
Ba là, đầu tư kết cấu hạ tầng. Giai đoạn 2016 - 2019, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đặc biệt là ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới. Toàn tỉnh đã đầu tư 457 công trình tại địa bàn các huyện, các xã, thôn, bản. Đến năm 2019, có 19 xã trong số 63 xã thuộc chương trình 135 chiếm 30,2% và 75 thôn trên tổng số 94 thôn đặc biệt khó khăn hoàn thành chương trình mục tiêu 135. Là tỉnh đứng đầu toàn quốc trong tiểu dự án hỗ trợ đầu tư có sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Bốn là, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo.
Tỉnh Thái Nguyên tập trung giải quyết cơ bản các thiếu hụt về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin, truyền thông cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1614/QĐ-TTg, ngày 15-9-2015, của Thủ tướng Chính phủ
Năm là, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo
Tỉnh Thái Nguyên quan tâm tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. Trong 4 năm, toàn tỉnh đã tổ chức 18 lớp học tập huấn cho 1.038 cán bộ cấp huyện, cấp xã, xóm về công tác quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình 135, chính sách dân tộc; 62 lớp với 5.341 người dân tộc thiểu số về mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo theo chuẩn mới của Thái Nguyên vẫn còn một số tồn tại như dự án hỗ trợ nhà ở cho 100% hộ nghèo có khó khăn về nhà ở làm nhà ở trên địa bàn tỉnh không đạt chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh vượt chỉ tiêu đề ra nhưng sự chênh lệch giữa khu vực thành thị và miền núi còn khá lớn. Nguyên nhân chính là do số hộ nghèo của Thái Nguyên chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn; dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt xảy ra cục bộ gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp và tài sản của một số hộ gia đình; giá cả một số mặt hàng nông sản tăng giảm thất thường nên ảnh hưởng tới sản xuất, thu nhập và đời sống nhân dân. Các văn bản quy định, hướng dẫn đối tượng và địa bàn đầu tư còn chậm, chưa kịp thời, ảnh hưởng nhất định đến tiến độ triển khai thực hiện các nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nói chung….
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong những năm tới, nhất là xây dựng chương trình cho giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên cần tập trung vào các nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đối với công tác giảm nghèo; thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá đúng ưu điểm, hạn chế, bất cập trong thực hiện chủ trương, chính sách về giảm nghèo để tìm ra các giải pháp hiệu quả; nhân rộng những mô hình hay trong công tác giảm nghèo. Lãnh đạo các ngành, đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh cần phối hợp thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới đồng bộ, quyết liệt; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững;
Thứ ba, về xác định đúng đối tượng hộ nghèo thụ hưởng các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội để đề xuất điều chỉnh, sửa đổi bổ sung một số chiều chỉ số tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho phù hợp.
Thứ tư, về ban hành chính sách: Cần phải thực hiện triệt để nguyên tắc khi ban hành cơ chế chính sách theo hướng giảm hỗ trợ cho không, tăng chính sách cho vay có điều kiện, có hoàn trả, đồng thời cần tăng nguồn lực cho hệ thống chính sách hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Thứ năm, tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số cả về chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh và thông tin và đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đường giao thông, điện lưới để kết nối với các khu vực trung tâm, vùng động lực phát triển, nhằm tạo điều kiện phát triển toàn diện cho địa bàn miền núi, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về đời sống giữa miền núi và thành thị.