Banner
Trang chủ BỘ MÔN Bộ môn Khoa học xã hội

ThS Phạm Tùng Hương - "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại đảng bộ trường ĐHNLTN" Tóm tắt Semina T10-2021

31/10/2021 10:00 - Xem: 798

1. Đặt vấn đề

Chi bộ là tế bào, nơi trực tiếp đưa đường lối, chính sách của Đảng đến với quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “chi bộ là nền móng của Đảng” [2], “là đồn luỹ chiến đấu của Đảng ở trong lòng quần chúng” [3]. Sinh hoạt chi bộ là một chế độ đã được quy định trong Điều lệ Đảng. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, giúp đảng viên nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng và thực hiện chức năng lãnh đạo, giáo dục của chi bộ. Đảng bộ trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên là đảng bộ cơ sở trực thuộc đảng bộ Đại học Thái Nguyên. Đảng bộ có “24 chi bộ trực thuộc với 391 đảng viên. Trong đó, 370 đảng viên chính thức, 21 đảng viên dự bị; Đảng viên là cán bộ viên chức 347, đảng viên là sinh viên 44; Đảng viên nam 188, đảng viên nữ 203. [1].

Từ khi thành lập đến nay, đảng bộ thực hiện chức năng là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của đơn vị. Để Đảng bộ có thể hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên và quần chúng đồng thời xây dựng đảng bộ, chi bộ và đơn vị vững mạnh – nhiệm vụ đặt ra hàng đầu cần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1 Thực trạng sinh hoạt chi bộ ở đảng bộ trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên

2.1.1. Nền nếp sinh hoạt, ý thức tổ chức kỷ luật của đảng viên đối với sinh hoạt chi bộ

Đa số các chi bộ duy trì nền nếp sinh hoạt nghiêm chỉnh, đều đặn hàng tháng. Lịch sinh hoạt chi bộ được xây dựng linh hoạt sau cuộc họp của Ban thường vụ Đảng ủy từ 3 – 7 ngày. Trên cơ sở nhiệm vụ chính trị, tính chất hoạt động của mỗi khoa, trung tâm, phòng ban, các chi ủy đã chọn thời điểm tổ chức sinh hoạt chi bộ thích hợp để đảng viên dự họp đầy đủ, đúng giờ. Bên cạnh sinh hoạt thường kì, khi chi bộ có vấn đề nảy sinh, ban chi ủy cũng tổ chức các cuộc sinh hoạt bất thường theo đúng quy định của Điều lệ Đảng và sự chỉ đạo của Đảng ủy cấp trên. Thời gian dành cho các buổi sinh hoạt định kì thường kéo dài từ 1,5 đến 2 giờ. Những buổi sinh hoạt đầu, cuối năm, kì học thường lâu hơn để giải quyết các vấn đề chính của một năm học như: nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh, đào tạo, tổng kết hoạt động của chi bộ, đánh giá và phân loại đảng viên. Trong giai đoạn tình hình dịch bệnh căng thẳng, các chi bộ vẫn duy trì sinh hoạt định kỳ bằng nhiều hình thức như: online, họp offline – đảm bảo 5K với những chi bộ dưới 20 đảng viên.

2.1.2. Nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ

Phần lớn các chi bộ đã có sự thay đổi về nội dung sinh hoạt chi bộ theo hướng thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị, đồng thời đảm bảo định hướng của cấp ủy cấp trên. Chi bộ duy trì đều đặn việc thông báo tình hình thời sự nổi bật trong nước, thế giới; các chuyên đề về công tác xây đảng. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của từng chi bộ, Chi ủy lựa chọn nội dung thích hợp để phổ biến kỹ, như: chi bộ tại các Khoa chuyên môn chú trọng công tác giảng dạy, coi, chấm thi; chi bộ tại các Viện, Trung tâm: nhấn mạnh công việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, chi bộ cũng đánh giá tình hình tư tưởng đảng viên, quần chúng; xem xét tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của từng đảng viên. Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của tháng trước.

Tuy nhiên, nội dung sinh hoạt còn chưa được đổi mới mạnh mẽ, chưa tập trung cao độ vào việc thảo luận tìm giải pháp giải quyết có hiệu quả cao những nguyện vọng của cán bộ, đảng viên. Tại một số ít chi bộ, tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu của nhiều cuộc sinh hoạt chi bộ chưa thể hiện rõ. Thời gian sinh hoạt ngắn, chưa quan tâm lãnh đạo công tác tư tưởng và không nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng của đảng viên.

Hình thức sinh hoạt chi bộ vẫn còn đơn điệu. Dẫn đến tình trạng còn đảng viên chưa nhận thức rõ về các hình thức sinh hoạt chi bộ; cũng như thiếu quan tâm đến nội dung được triển khai.

2.1.3. Thực hiện quy trình và điều hành sinh hoạt chi bộ của chi ủy, Bí thư

Hầu hết Ban chi ủy của các chi bộ đều thực hiện đúng quy trình 2 bước, đảm bảo tính khoa học, hiệu quả trong điều hành sinh hoạt chi bộ.

Bước một, công tác chuẩn bị của chi ủy: chủ động phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng đồng chí để chuẩn bị tài liệu, nội dung liên quan, xây dựng chương trình, cơ sở vật chất.

Bước hai, tiến hành sinh hoạt: Bí thư chi bộ-chủ tọa điều hành hội nghị luôn đảm bảo tính dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình của đảng viên, tính lãnh đạo, chiến đấu của Đảng. Thư ký buổi sinh hoạt ghi chép đầy đủ, rõ ràng nội dung, diễn biến của cuộc họp.

2.1.4. Thảo luận, đóng góp ý kiến của đảng viên

Đóng góp ý kiến, thảo luận trong sinh hoạt chi bộ là một trong những quyền cơ bản, đồng thời là trách nhiệm chính trị của mỗi đảng viên. Tại đảng bộ trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, bên cạnh nội dung xây dựng đảng, nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị như: công tác đào tạo, tuyển sinh, biên soạn giáo trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hợp tác – đào tạo quốc tế, chương trình thực tập nghề cho sinh viên…là những vấn đề được đưa ra thảo luận trong các buổi sinh hoạt chi bộ. “Một bộ phận đảng viên tích cực đóng góp ý kiến, trao đổi thẳng thắn, cởi mở để tìm ra giải pháp”. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại tình trạng đảng viên làm việc riêng, không tập trung lắng nghe, không phát biểu ý kiến. Việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ cũng còn nhiều hạn chế, phổ biến là né tránh, lựa chiều “dĩ hòa,   vi quý”.

2.2. Giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Từ thực trạng đã phân tích trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại đảng bộ trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên như sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên về tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ.

Nhận thức đúng là yếu tố quyết định đến hoạt động thực tiễn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa cao do nhận thức thiếu đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ. Từ đó không thực hiện nghiêm túc các quy định trong Điều lệ Đảng. Đảng bộ cần tổ chức giáo dục đến từng đảng viên ý nghĩa, vai trò, tác dụng, sự cần thiết phải nâng cao của sinh hoạt chi bộ. Tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên về vấn đề này. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện nhận thức sai lầm; có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh theo Điều lệ Đảng. Bên cạnh đó, động viên kịp thời những đảng viên gương mẫu, tích cực tham gia, đóng góp sáng kiến để nâng cao chất lượng chi bộ.

Chất lượng sinh hoạt chi bộ phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của đội ngũ cấp ủy, nhất là người đứng đầu. Bí thư chi bộ - người lãnh đạo cần nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu và tinh thần trách nhiệm trong việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ, đổi mới phương pháp điều hành, thảo luận tại các buổi sinh hoạt chi bộ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn đoàn kết thống nhất, phát huy trí tuệ của đảng viên trong việc tham gia đóng góp ý kiến, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của chi bộ.

Thứ hai, tăng cường công tác giáo dục chính trị, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ đảng viên, cấp ủy và Bí thư chi bộ.

Cần tiếp tục nhận thức sâu sắc - công tác giáo dục chính trị, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống cho đội ngũ đảng viên là trách nhiệm của toàn Đảng; là nhiệm vụ thường xuyên, hết sức quan trọng của cấp uỷ, toàn bộ hệ thống chính trị và của mỗi đảng viên. Muốn nâng cao chất lượng phải coi trọng giáo dục, thông qua nội dung, hình thức của mỗi buổi sinh hoạt chi bộ bồi dưỡng niềm tin, lòng nhiệt tình, ý thức trách nhiệm của cấp ủy và đảng viên. Phải làm cho đảng viên thấy rõ chất lượng sinh hoạt chi bộ đóng vai trò quyết định năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; thông qua buổi họp này, đảng viên sẽ tiếp nhận đường lối, chủ trương của Đảng, thông tin thời sự chính trị, nhiệm vụ mà đảng giao phó cho từng đồng chí. Do đó, tham gia sinh hoạt chi bộ đầy đủ, tích cực là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi đảng viên.

Cấp uỷ, trước hết là đồng chí bí thư phải tăng cường sự lãnh đạo và quản lý công tác tư tưởng. Làm tốt công tác tư tưởng, tích cực nắm bắt, giải quyết đúng đắn, kịp thời những vấn đề bức xúc, gắn kết chặt chẽ công tác này với các nhiệm vụ chính trị khác sẽ là yếu tố quyết định sự phát triển vững mạnh của chi bộ. 

Thứ ba, làm tốt công tác phân công nhiệm vụ, quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên.

Thực hiện tốt việc phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên gắn với sinh hoạt chi bộ; thường xuyên tổ chức cho đảng viên tự phê bình và phê bình; làm rõ ưu, nhược điểm của cá nhân về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Động viên đảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ nhất là đảng viên trẻ. Gắn kết lý luận với thực tiễn để đảng viên trong chi bộ vừa có phẩm chất tốt và năng lực tốt. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh. Nêu gương người tốt việc tốt. Đồng thời thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng quy định.

Thứ tư, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ bám sát tình hình thực tế vừa đảm bảo nội dung chỉ đạo của Đảng.

Nội dung sinh hoạt chi bộ được thực hiện theo Hướng dẫn số 09- ngày 02/3/2012 của BTCTW. Quán triệt tinh thần và cụ thể hóa đến các chi bộ, Đảng ủy trường đã ban hành Hướng dẫn số 10 - HD/ĐU-UBKT ngày 26/01/2018 về Nội dung đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu “làm cho mọi đảng viên nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nghị quyết của chi bộ và của cấp ủy cấp trên; bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu để chi bộ thực sự là nơi lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên”[4].

Vấn đề đặt ra, nội dung sinh hoạt như thế nào để vừa đảm bảo tính lãnh đạo, tính chiến đấu của Đảng vừa thiết thực với chi bộ, không nhàm chán, tạo sự hứng thú cho đảng viên. Các chi bộ tại Đảng bộ trường nên đổi mới theo hướng nội dung gắn kết với giải quyết có hiệu quả nguyện vọng, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đảng viên và những vấn đề nảy sinh mà đông đảo cán bộ công chức quan tâm như: chế độ tiền lương, thưởng đảm bảo đời sống; môi trường làm việc, nghiên cứu khoa học đáp ứng điều kiện cần và đủ. Để xác định nội dung sinh hoạt sinh hoạt chi bộ phù hợp cần:

Một là, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, hướng dẫn nội dung sinh hoạt chi bộ hàng tháng của cấp ủy cấp trên; căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của từng chi bộ, những vấn đề nổi lên ở đơn vị, lưu ý đặc thù của chi bộ để xác định nội dung sinh hoạt chi bộ, bảo đảm tính khả thi của các vấn đề đưa ra.

Hai là, thẳng thắn trao đổi, thực hành dân chủ trong chi ủy về nội dung sinh hoạt chi bộ. Đề cao vai trò, trách nhiệm của bí thư chi bộ trong chuẩn bị nội dung. Bí thư chi bộ nên đầu tư thời gian để xem xét, tổng hợp những vấn đề nảy sinh trong tháng để chuẩn bị nội dung sinh hoạt cho tháng tiếp theo. Trước mỗi buổi sinh hoạt, đồng chí Bí thư cần trao đổi những nội dung đã chuẩn bị trong sinh hoạt chi ủy. Khi nội dung sinh hoạt chi bộ đã được chi ủy thống nhất, phân công chi ủy viên chuẩn bị nội dung chi tiết cụ thể. Đồng chí có thể chuẩn bị toàn bộ nội dung chi tiết của sinh hoạt chi bộ,  có thể chuẩn bị từng phần, sau đó thông qua chi ủy.

Đối với nội dung của cuộc sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề, cần có thời gian để chuẩn bị một cách chu đáo. Có thể phân công một số đảng viên có năng lực, trình độ về nội dung đó cùng chi ủy chuẩn bị.

Về đổi mới, cải tiến hình thức sinh hoạt chi bộ: Đây cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng sinh hoạt chi bộ. Song song với đổi mới nội dung, các chi bộ cũng cần nghiên cứu để cải tiến hình thức. Hạn chế tối đa việc thuyết trình một chiều từ đồng chí Bí thư hay chi ủy viên. Thay thế bằng nhiều phương thức khác như: Tổ chức cuộc thi kể chuyện trong chi bộ về cuộc đời, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thể hiện các ca khúc về Bác, về Đảng, tình yêu quê hương đất nước; Thông qua hái hoa dân chủ để tìm hiểu, trao đổi về tình hình thời sự trong nước và quốc tế; Phát động đăng ký một việc làm tốt theo quý; có tổng kết, trao thưởng cho đảng viên xuất sắc và khuyến khích những đảng viên chưa hoàn thành làm tốt hơn trong cuộc thi sau.

Nên tăng cường sinh hoạt chuyên đề: Để nội dung các chuyên đề phong phú, hiệu quả cao, trước mỗi buổi sinh hoạt, Ban chi ủy hoặc bí thư chi bộ đề xuất nội dung phù hợp, nêu rõ mục đích yêu cầu, ý kiến chỉ đạo, tham khảo ý kiến đóng góp từ đảng viên, cung cấp những tài liệu thông tin cần thiết cho người được phân công chuẩn bị nội dung sinh hoạt. Nên phân công luân phiên các đồng chí đảng viên chuẩn bị nội dung; Chi ủy thông báo trước chuyên đề cho đảng viên và yêu cầu đảng viên cũng phải chủ động chuẩn bị ý kiến phát biểu trong kỳ sinh hoạt. Chuẩn bị tốt chuyên đề sinh hoạt vừa đảm bảo tính đảng lại tránh được sự nhàm chán, rập khuôn trong sinh hoạt chi bộ.

3. Kết luận

Qua  tổng  kết và đánh giá sơ bộ thực trạng sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, chúng tôi đã đề xuất bốn giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Việc thực hiện các giải pháp này một cách đồng bộ sẽ góp  phần  nâng  cao  chất lượng sinh hoạt chi bộ, đây là một nhiệm vụ quan trọng giúp cho Đảng bộ nhà trường và các chi bộ trực thuộc thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; đáp ứng những nhiệm vụ chính trị của đơn vị trong giai đoạn hiện nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

(1) Báo cáo kết quả công tác xây dựng đảng năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021 của Đảng ủy trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, 2020.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập (1996), NXB Chính trị Quốc gia, Tập 8, Tr.270.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập (1996), NXB Chính trị Quốc gia, Tập 12, Tr.211

(4) Hướng dẫn Nội dung đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ của Đảng ủy trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, 2018.

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN