1. Đặt vấn đề
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Về cách học, phải lấy tự học làm cốt”. Tự học là một thuộc tính vốn có của con người, là con đường phát triển của mỗi cá nhân, của cả dân tộc, là động lực chính của quá trình giáo dục – đào tạo. Đối với đào tạo đại học, hoạt động tự học, tự nghiên cứu của sinh viên được coi là công việc thường xuyên và tất yếu, hơn thế nữa, nó còn là yêu cầu bắt buộc và được thế hiện bằng một tỉ trọng thời lượng nhất định trong kết cấu thời lượng của học phần khi áp dụng đào tạo theo tín chỉ.
Trong quá trình học đại học của sinh viên, tự học có vai trò vô cùng quan trọng, là yếu tố quyết định chất lượng học tập, chất lượng đào tạo bởi nó phát huy tính tự giác, tính tích cực chiếm lĩnh tri thức của sinh viên. Do đó, bồi dưỡng năng lực tự học cho sinh viên là một công việc có vị trí cần thiết trong các nhà trường đại học. Chỉ có tự học, tự bồi đắp tri thức bằng nhiều con đường, nhiều cách thức khác nhau mỗi sinh viên mới có thể bù đắp được những thiếu khuyết tri thức khoa học vềđời sống xã hội để từ đó có được sự tự tin trong cuộc sống, công việc bằng chính năng lực toàn diện của mình.
Hiện nay, hoạt động tự học của sinh viên trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên chưa đạt được kết quả cao, thể hiện ở kết quả học tập còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo tín chỉ. Đặc biệt trong thời gian khi dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp khiến nhà trường phải chuyển sang hình thức học trực tuyến, viết bài cuối kỳ bằng hình thức tiểu luận thì bộc lộ hạn chế của sinh viên về năng lực tự học, tự nghiên cứu. Sinh viên chưa biết hoặc chưa có ý thức chuẩn bị bài trước khi vào buổi học. Nhiều sinh viên còn lúng túng trong việc tìm và xử lý tài liệu phục vụ viết bài tiểu luận, chưa biết cách xây dựng bố cục của bài tiểu luận cũng như viết thế nào để đảm bảo quy định đạo văn tối đa 30%.
Đặc biệt, đối với sinh viên năm thứ nhất thì vấn đề tự học còn gặp nhiều khó khăn hơn, khi các em mới chuyển từ cách học ở phổ thông sang đại học, môi trường mới, chưa nhiều kinh nghiệm trong việc tự học. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và đưa ra những giải pháp nâng cao năng lực tự học cho sinh viên nói chung, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất là yêu cầu cấp thiết, góp phần nâng cao chất lượng học tập của sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên học tập tốt, xứng đáng là người chủ tương lai của đất nước.
2. Thực trạng kết quả học môn Triết học Mác – Lênin của sinh viên K53 (khảo sát qua 5 lớp học phần)
2.1. Đánh giá về kết quả
Bảng kết quả học tập môn Triết học Mác - Lênin qua khảo sát
Lớp HP |
|
Kết quả |
|||||||||
|
|
|
Không đạt (không thi, thi không qua) |
Không đạt (thi không qua) |
|||||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
||
N01- CNTY53 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
N03- TY53 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
N06– TT53, NNCNC |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
N10 CNSH53, KHMT53 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
N07 – QLTNR, LS, BQCB |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.2. Nguyên nhân
Để có được kết quả như trên là sự kết hợp cố gắng của cả phía người dạy (giảng viên) và người học (sinh viên).
- Về phía giảng viên (GV):
Nguyên nhân tích cực:
+ Trong buổi học đầu tiên, GV (tôi) đã nhấn mạnh với sinh viên về cách học, giao bài tập và cách đánh giá để cho các em có động lực cố gắng ngay từ đầu. Cụ thể: điểm chuyên cần được tính trên cơ sở điểm trung bình cộng của các bài tập hàng tuần + điểm phát biểu (nếu có).
+ Hàng tuần, kết thúc mỗi buổi học GV đều giao bài tập trên MS Teams, thường xuyên đôn đốc sinh viên làm bài tập đúng thời hạn, chấm bài nghiêm túc, những bài nào giống nhau thì sẽ 0 điểm.
+ Nội dung bài tập giao rất linh động, kết hợp cả câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi ngắn, câu hỏi dài, kết hợp cả nội dung kiến thức môn học và vân dụng thực tiễn, liên hệ bản thân. Câu hỏi gắn với nội dung ôn tập phục vụ kiểm tra và thi cuối kỳ nên sinh viên rất hào hứng và làm bài tập chu đáo.
+ Đầu mỗi buổi học, GV luôn chữa bài tập đã chấm của sinh viên, chỉ ra những lỗi còn sai, yêu cầu sinh viên phân tích lỗi sai (nếu cần thiết) để sinh viên thấy tại sao lại sai, muốn trả lời đúng thì cần căn cứ vào đâu, từ đó thống nhất về kiến thức. Khi sinh viên nhận được điểm hàng tuần thì đó là động lực rất lớn để người điểm cao thì tiếp tục cố gắng, người điểm kém thì sữa chữa ở tuần tiếp theo.
+ Trong mỗi buổi học, GV dẫn dắt người học tới những câu hỏi nhỏ để phát huy sự động não và tinh thần phát biểu của người học. Câu trả lời tốt sẽ được ghi nhận để cộng vào điểm chuyên cần.
Nguyên nhân không tích cực:
+ do điều kiện dịch bệnh phải dạy trực tuyến nên việc thúc đẩy tính tự học của sinh viên vẫn còn hạn chế, chưa thể sâu sát được tới toàn bộ sinh viên trong lớp.
+ Việc học trực tuyến cũng gây hạn chế trong việc giúp làm việc nhóm, thảo luận nhóm của sinh viên.
- Về phía sinh viên:
Nguyên nhân tích cực:
+ Xuất phát từ việc giao bài tập thường xuyên của GV nên đã số sinh viên tích cực làm bài và nộp bài đúng thời gian, sinh viên nào nộp muộn có lý do chính đáng được tạo điều kiện cho nộp trước khi vào buổi học tiếp theo.
+ Khi GV chữa bài tập và thống nhất câu trả lời, sinh viên tích cực ghi chép đầy đủ để lấy cơ sở làm đề cương cho môn học.
+ Do được tính điểm nên sinh viên tích cực làm bài, phát biểu. Sinh viên nào chưa tự giác hoặc lấy bài của bạn hay cho bạn mượn bài, sau khi bị điểm xấu đều tự giác thay đổi ở tuần tiếp theo.
Chính vì vậy, những sinh viên thực hiện được như trên đều đạt được điểm C trở lên, đa số là điểm B, A.
Nguyên nhân không tích cực:
+ Một bộ phận sinh viên không tự giác trong học tập, không làm bài tập được giao, trong giờ học trực tuyến làm việc riêng, vào học muộn, nghỉ học, đăng ký học muộn (dù đã được đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên).
+ Một số sinh viên trong thời gian học của môn học đã nhiễm Covid-19 nên sức khỏe không đảm bảo cho việc học, ảnh hưởng tới kết quả học tập.
Chính vì vậy, dẫn đến còn kết quả học tập kém ở một bộ phận sinh viên, đặc biệt lớp N07.
3. Một số đề xuất về giải pháp nâng cao năng lực tự học cho sinh viên
3.1. Đối với giảng viên
Một là, xác định mục tiêu môn học
Trong quá trình giảng dạy các môn học, người giảng viên cần xác định mục tiêu học tập môn học, từng bài, hướng dẫn nắm vững các kiến thức cơ bản, đặt và giải quyết các vấn đề chủ yếu trong bài học, tiến hành đọc tài liệu, tra cứu, chuẩn bị làm bài tập, giao bài tập, chấm và sửa bài tập. Những công việc như vậy hỗ trợ cho sinh viên tự học, dưới sự hướng dẫn của giảng viên, một cách tích cực, sáng tạo, đúng với yêu cầu của phương pháp học tập theo hướng tích cực.
Hai là, thông qua hoạt động giảng dạy, giảng viên cần làm cho sinh viên có nhận thức đúng về vai trò to lớn của hoạt động tự học, tự nghiên cứu và truyền đam mê cho họ. Đồng thời, chủ động và tích cực hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu, đây là một nhiệm vụ mà giảng viên phải thực hiện khi áp dụng đào tạo theo tín chỉ. Ngay từ buổi lên lớp đầu tiên, giảng viên cung cấp cho sinh viên đề cương môn học; nêu rõ những nội dung sinh viên tự học, tự nghiên cứu; giới thiệu tài liệu học tập; có biện pháp thường xuyên kiểm tra, đánh giá hoạt động tự học của sinh viên (một trong những biện pháp đó là các vấn đề thảo luận, đề kiểm tra, đề thi luôn có những nội dung giao cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu), qua đó buộc họ phải tự giác trong công việc tự học, tự nghiên cứu.
Ba là, áp dụng tốt các phương pháp giảng dạy tích cực, phù hợp với đặc thù môn học và khai thác có hiệu quả các phương tiện giảng dạy hiện đại. Thực tiễn giảng dạy cho thấy, đối với các ngành thuộc khoa học xã hội, để giờ giảng đạt được hiệu quả và góp phần nâng cao năng lực tự học của sinh viên, phải sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp như: thuyết trình, nêu vấn đề, gợi mở, tạo tình huống, người học cùng tham gia,…Tuy nhiên, thuyết trình vẫn là phương pháp chủ đạo, nhưng phải là thuyết trình có đổi mới, cách tân theo hướng kích thích tính tích cực, sáng tạo của người học, buộc người học phải luôn động não, nghĩa là trong thuyết trình có nêu vấn đề, phát vấn, tạo tình huống,... để người học suy nghĩ, tự lý giải, tự liên hệ, vận dụng vào thực tiễn, qua đó tạo hiệu ứng tốt cho lớp học và năng lực tự học của sinh viên cũng được trực tiếp bồi đắp. Cũng cần lưu ý rằng, việc lựa chọn, sử dụng những phương pháp nào và mức độ sử dụng ra sao tùy thuộc vào nội dung và đặc điểm môn học (thậm chí phụ thuộc vào từng bài trong môn học), vào mục tiêu mà chủ thể giảng dạy đặt ra, vào đối tượng người học và điều kiện, phương tiện vật chất cần thiết phục vụ cho quá trình dạy và học.
Bốn là, tăng cường tổ chức cho sinh viên thảo luận, đảm bảo đủ thời lượng theo qui định. Đây là một hình thức dạy và học tích cực thông qua trao đổi, chất vấn, đối thoại giữa giảng viên với sinh viên, giữa sinh viên với sinh viên, qua đó giúp sinh viên nắm kiến thức lý thuyết và thực tiễn của môn học tốt hơn, nhất là buộc sinh viên phải tăng cường hoạt động tự học, tự nghiên cứu để phục vụ cho việc thảo luận.
Năm là, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo quá trình, gồm đánh giá việc học tập trên lớp và thông qua các bài thi, kiểm tra, tiểu luận. Dù thi dưới hình thức nào thì trong đề thi, đề kiểm tra luôn có 2 phần: kiến thức môn học và liên hệ, vận dụng vào thực tiễn. Theo đó, khi đánh giá bài thi, bài kiểm tra, không dừng lại ở việc xem xét mức độ thuộc bài của người học, mà phải nhìn nhận và đánh giá cao sự hiểu biết bản chất vấn đề, năng lực tư duy và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, nhất là những kiến thức mà người học có được nhờ việc tự học, tự nghiên cứu. Kết hợp các dạng câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi trả lời ngắn, câu hỏi trả lời dài.
3.2. Đối với sinh viên
Một là, xác định đúng mục tiêu, động cơ học tập
Ngay từ đầu môn học giảng viên phải giúp cho sinh viên nhận thức đúng, rõ ràng về mục đích và nội dung trọng tâm cũng như phương pháp học tập của môn học. Sinh viên ngay từ đầu sẽ phải xác định cho mình mục đích rõ ràng là học để có tri thức, kĩ năng phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp của mình sau này. Từ nhận thức như vậy người học mới có tinh thần tích cực đối với hoạt động tự học và do đó, mới có ý thức thường xuyên nâng cao năng lực tự học của bản thân.
Hai là, xây dựng kế hoạch học tập
Đối với bất kì ai muốn việc học thật sự có hiệu quả thì mục đích, nhiệm vụ và kế hoạch học tập phải được xây dựng cụ thể, rõ ràng. Trong đó kế hoạch phải được xác định với tính hướng đích cao. Tức là kế hoạch ngắn hạn, dài hơi thậm chí từng môn, từng phần phải được tạo lập thật rõ ràng, nhất quán cho từng thời điểm từng giai đoạn cụ thể sao cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình. Vấn đề kế tiếp là phải chọn đúng trọng tâm, cái gì là cốt lõi là quan trọng để ưu tiên tác động trực tiếp và dành thời gian công sức cho nó. Sau khi đã xác định được trọng tâm, phải sắp xếp các phần việc một cách hợp lí logic về cả nội dung lẫn thời gian, đặc biệt cần tập trung hoàn thành dứt điểm từng phần, từng hạng mục theo thứ tự được thể hiện chi tiết trong kế hoạch.
Ba là, nâng cao năng lực trí tuệ và tư duy, rèn luyện khả năng tự học
Để có được một thói quen tự học tốt, sinh viên cần: học có chọn lọc, học có đam mê và học có quá trình. Kho tàng kiến thức là vô tận, nguồn tài liệu tham khảo cho môn học cũng rất phong phú, sinh viên khi đọc tài liệu phải biết chọn lọc, cần tìm hiểu kĩ, lựa chọn đúng những tri thức và kỹ năng cần được trang bị, tránh cách học dàn trải, hời hợt, cái gì cũng biết nhưng chỉ loáng thoáng, không hiểu rõ bản chất của vấn đề.
Khi trên lớp, để có thể tiếp thu bài giảng tốt, sinh viên cần đi học đầy đủ, ghi chép cẩn thận. Trong giờ học cần cố gắng tập trung và tích cực tương tác với giảng viên, luôn đặt câu hỏi khi có thắc mắc. Điều này sẽ giúp sinh viên ghi nhớ lâu hơn, góp phần kích thích tư duy, đặc biệt là tư duy sáng tạo. Năng lực tự học vì thế sẽ dần được nâng cao thông qua sự phát triển của tư duy, của khả năng tiếp thu.
Trên đây là một vài giải pháp tôi đưa ra, đối với giảng viên và đối với sinh viên. Về logic thì cần có thêm yếu tố cơ sở vật chất của Nhà trường, tuy nhiên tôi mạn phép không nêu ra ở đây mà để trong hướng nghiên cứu sâu hơn.