Tóm tắt seminar:
TRIỂN KHAI NỘI DUNG ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI THÔNG QUA GIẢNG DẠY MÔN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
TS. Dương Thị Kim Huệ*
- Đặt vấn đề.
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là điểm nổi bật, xuyên suốt và chủ đạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như trong toàn bộ đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trải qua 92 năm hoạt động và lãnh đạo cách mạng, cho đến nay, Đảng ta vẫn kiên trì và nhất quán với sự lựa chọn ấy. Trong bài viết“Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”[1]. Đây cũng là nội dung chủ đạo trong môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh của chương trình đào tạo bậc đại học. Do đó, trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần chú trọng truyền đạt kiến thức môn học về lý luận gắn với với những vấn đề thực tiễn của cách mạng Việt Nam hiện nay.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
- Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường cứu nước
Trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về sự phát triển tất yếu lên xã hội xã hội chủ nghĩa của loài người, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tiếp thu, vận dụng sáng tạo hệ thống lý luận đó vào điều kiện cụ thể của Việt Nam và đưa ra quan điểm: tiến lên chủ nghĩa xã hội là bước phát triển tất yếu ở Việt Nam sau khi nước nhà đã giành độc lập theo con đường cách mạng vô sản.
Ngày 5-6-1911, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu hành trình đi ra nước ngoài để tìm con đường cứu nước, cứu dân. Mục tiêu, khát vọng của người thanh niên ấy không chỉ là vấn đề giải phóng dân tộc khỏi sự áp bức, thống trị của chủ nghĩa thực dân, mà hơn thế là giải phóng được nhân dân, giải phóng con người; không chỉ giành độc lập cho dân tộc mà còn tìm con đường phát triển dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc cá nhân dân.
Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được Sơ thảo Luận cương của Lênin về những vấn đề dân tộc và thuộc địa và tìm thấy ở đó cơ sở lý luận có tính khoa học sâu sắc cho con đường giải phóng dân tộc và phát triển dân tộc của Việt Nam lúc đó. Đó là con đường cách mạng vô sản. Người khẳng định: “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức”[2] và “cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”[3]. Nguyễn Ái Quốc đã dứt khoát lựa chọn con đường cách mạng vô sản cho dân tộc Việt Nam và bắt tay vào chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đảm bảo cho cuộc cách mạng ấy thành công ở Việt Nam.
- Nội dung ĐLDT gắn liền chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không thể tách rời, bởi “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[4].
Độc lập dân tộc là tiền đề để đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa xã hội với bản chất sâu xa là thực hiện tốt nhất quyền làm chủ của nhân dân, chính là điều kiện đảm bảo vững chắc cho độc lập dân tộc được toàn vẹn. Ngay từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, khi đã tin và lựa chọn theo lý luận của chủ nghĩa cộng sản, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được dân tộc bị áp bức” và “chỉ có cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hoà bình, hạnh phúc”[5].
Chủ nghĩa xã hội là điều kiện đảm bảo vững chắc độc lập dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[6]. Chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa mới giải phóng triệt để giai cấp vô sản và nhân dân lao động khỏi áp bức bóc lột, bất công, mới đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân và đưa nhân dân lao động trở thành người làm chủ xã hội; “độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”[7]. Chủ nghĩa xã hội bảo đảm quyền dân tộc tự quyết, quyền lựa chọn con đường và mô hình phát triển đất nước; bảo đảm quyền và phát huy năng lực làm chủ của nhân dân, xóa bỏ triệt để tình trạng áp bức, bóc lột. Chủ nghĩa xã hội tạo ra sự trao đổi, hợp tác kinh tế, văn hóa giữa các nước dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, vì một thế giới không có chiến tranh, không có sự hoành hành của tội ác, của tàn bạo và bất công, bảo đảm cho con người phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mới ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mới ngày một giàu mạnh thêm”[8].
- Một số vấn đề cần lưu ý khi giảng dạy nội dung độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội trong môn Tư tưởng Hồ Chí Minh
- Làm rõ tính khoa học, đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã lựa chọn
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn cách mạng vô sản là con đường để giải phóng dân tộc và phát triển dân tộc, với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sự lựa chọn đó xuất phát từ các điều kiện khách quan và chủ quan, sự tổng hợp các điều kiện trong nước và quốc tế, trong đó, học thuyết Mác – Lênin về quy luật phát triển của xã hội loài người, về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn cách mạng thế giới cũng như cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua là những cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn quan trọng nhất.
- Tính toàn diện của nội dung độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
Việt Nam đang tiến hành đổi mới toàn diện đất nước với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là sự tiếp tục con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn. Như một đòi hỏi tất yếu, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay phải được thể hiện đậm nét, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của sự phát triển đất nước: chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại. Do đó, nội dung độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội được thể hiện trong tất cả các nội dung 6 chương của môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh
- Nâng cao thái độ, nhận thức của sinh viên khi học tập môn Tư tưởng Hồ Chí Minh
- Sinh viên có hệ thống kiến thức cơ bản, chính xác, khoa học về nội dung độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Có niềm tin vững chắc vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vào sự lãnh đạo của Đảng; kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Có tinh thần đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái, các hành vi chống phá của các thế lực thù địch nhằm phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Tránh tư tưởng nóng vội, hoài nghi vào con đường cách mạng.
- Biết vận dụng đúng đắn, sáng tạo những quan điểm của Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội vào các vấn đề cụ thể trong điều kiện hiện nay.
- Nhận thức được rõ vai trò, trách nhiệm của mình để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cách mạng Việt Nam mà Đảng đã đề ra, hiện thực hoá bằng những hành động thiết thực.
Tài liệu tham khảo
- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2011
- C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2011
- Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2022
* BM Khoa học xã hội – Khoa Khoa học cơ bản
[1] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2022, tr.22 .
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.563.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, sđd, tr.392.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, sđd, tr.30.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, sđd, tr.496
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, sđd, tr.64.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr. 65.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.401