Năm 1858 thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Tháng 3 năm 1884, Pháp đem quân đánh chiếm Thái Nguyên và vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của nhân dân trong Tỉnh. Kể từ đó, Thái Nguyên có nhiều phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp diễn ra dưới ngọn cờ xướng nghĩa của các nghĩa quân và những người yêu nước. Đặc biệt cuộc khởi nghĩa năm 1917 do Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo đã gây được tiếng vang lớn.
Sau cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917, thực dân Pháp tăng cường bộ máy đàn áp nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng nơi đây và ngăn chặn phong trào cách mạng từ nơi khác lan sang Thái Nguyên. Sự hoạt động ráo riết của kẻ địch làm cho phong trào đấu tranh trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, việc tuyên truyền giác ngộ cho quần chúng gặp trở ngại. Những nỗ lực nhằm khôi phục phong trào ở Thái Nguyên đều vấp phải sự truy lùng, khủng bố của thực dân Pháp. Năm 1929, một bộ phận của tổ chức Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Bắc Giang tổ chức rải truyền đơn đến Bến đò Hà Châu (Phú Bình) nhưng bị địch phát hiện. Tháng 9/1933, cơ sở Đảng ở đồn điền Tú Taọ (Đa Phúc – Phúc Yên) tổ chức mang truyền đơn về làng Phù Lôi (nay thuộc Thuận Thành – Phổ Yên) cũng bị địch phát hiện và khủng bố.
Sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp càng tăng cường sự khủng bố, tiến hành truy lùng gắt gao đảng viên và những người yêu nước. Trước tình hình đó, các đồng chí Vũ Hưng và Nguyền Đình Chiêm là đảng viên của tỉnh Hà Nam đã chuyển lên vùng Định Hóa – Thái Nguyên hoạt động, nhằm tránh sự khủng bố. Tại đây, bằng những hoạt động của mình, các đồng chí đã tích cực tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng, từ đó đã xây dựng được một số cơ sở quần chúng ở Bộc Nhiêu- Định Hóa.
Trong khoảng thời gian này, một số đảng viên ở Thái Bình cũng tạm lánh lên vùng Thái Nguyên để tránh sự khủng bố.
Năm 1934, Ban lãnh đạo của Đảng ở ngoài nước được thành lập ở Trung Quốc. Với nhận định “lực lượng đấu tranh của các dân tộc thiểu số là một lực lượng rất lớn”, Ban lãnh đạo đã bắt liên lạc và củng cố các cơ sở Đảng ở trong nước, đồng thời chỉ đạo các chi bộ Long Châu mở rộng phạm vi hoạt động để phát triển phong trào cách mạng trong các dân tộc thiểu số. Sau Đại hội Đảng lần thứ nhất (3/1935) nhiều cán bộ đảng viên đã trở về nước xây dựng cơ sở, đào tạo cán bộ và chỉ đạo phong trào cách mạng ở vùng núi Việt Bắc. Thực hiện sự chỉ đạo đó đồng chí Đặng Tùng – một cán bộ của Đảng hoạt động ở Long Châu (Trung Quốc) được cử về hoạt động ở La Bằng (Đại Từ - Thái Nguyên).
La Bằng là một xã nằm ngay sát dưới chân núi Tam Đảo. Đây là khu vực có núi cao, rừng rậm rất hiểm trở, dân cư thưa thớt và chủ yếu là các hộ gia đình người Nùng, Dao, Tày, Kinh. Tuy vậy các gia đình người Nùng ở đây lại có sự giao lưu đi lại thường xuyên với anh em họ hàng đang sống ở Long Châu – Trung Quốc. Nhìn chung đây là địa bàn có nhiều thuận lợi để hoạt động bí mật.
Khi được tổ chức cử về La Bằng, với vốn kiến thức, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn và năng lực vận động quần chúng của mình, qua một thời gian ngắn tiếp xúc với đồng bào và nắm bắt tình hình địa phương, đồng chí Đặng Tùng đã từng bước tuyên truyền và giác ngộ được anh em gia đình họ Đường cùng một số thanh niên khác những vấn đề cơ bản về mục đích đấu tranh giải phóng dân tộc, về con đường cách mạng của Đảng. Khoảng tháng 7, tháng 8 năm 1936 đồng chí Đặng Tùng đã kết nạp đồng chí Đường Văn Hon (Đường Nhất Quý) người Nùng vào Đảng Cộng sản Đông Dương, trở thành người đảng viên cộng sản đầu tiên của xã La Bằng và của huyện Đại Từ. Sau đó có 3 đồng chí được kết nạp tiếp theo gồm: Nông Văn Ái, Hoàng Văn Nghiệp, Đường Văn Ngân. Đồng chí Đặng Tùng đã tuyên bố thành lập cơ sở Đảng ở La Bằng và cử đồng chí Đường Văn Hon làm Bí thư. Như vậy từ cuối năm 1936, tổ chức cơ sở Đảng ở La Bằng chính là tổ chức cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên.
Ngay sau khi thành lập tổ chức cơ sở Đảng đầu tiên ở La Bằng đã có những hoạt động tuyên truyền, giác ngộ được một số quần chúng tích cực vào các Hội Tương tế, Hội Ái hữu, bí mật sản xuất một số loại vũ khí thô sơ để trang bị cho quần chúng, tuyên truyền một số sách báo công khai của Đảng. Đến năm 1938 Chi bộ La Bằng đã kết nạp thêm 2 quần chúng vào Đảng là Đường Văn Dùng (Đường Quảng Phi) và Nông Sen Thình (Nông Triều Đông). Thời gian sau đó Chi bộ đã đón các đồng chí lãnh đạo của Đảng gồm Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt đến chỉ đạo hoạt động. Chi bộ đã liên kết được với đảng viên và tổ chức Đảng ở Bắc Sơn, Võ Nhai, Định Hóa. Đến năm 1943, từ cơ sở La Bằng, phong trào cách mạng đã lan rộng sang các địa phương khác trong huyện Đài Từ, sang các xã huyện Đinh Hóa và một phần Tuyên Quang. Đây là tiền đề rất quan trọng và là cơ sở để vùng này trở thành một phần của An Toàn Khu sau đó. Sự phát triển và lan rộng của phong trào cách mạng từ ảnh hưởng của La Bằng đã tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa khu căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai – Bắc Kạn – Cao Bằng với khu căn cứ Núi Hồng (Đại Từ - Định Hóa – Sơn Dương) đã hình thành vùng căn cứ địa rộng lớn, trong đó Thái Nguyên – Tuyên Quang là bộ phận quan trọng để hình thành Chiến khu Việt Bắc sau này.
Việc tổ chức cơ sở Đảng đầu tiên được thành lập ở La Bằng không chỉ đánh dấu bước ngoạt đối với phong trào cách mạng của địa phương mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên và các vùng lân cận. Tổ chức đảng đầu tiên của tỉnh ra đời đã giúp phong trào cách mạng của tỉnh hoạt động theo đúng định hướng, phối hợp chặt chẽ với phong trào cách mạng của cả nước.
Từ tổ chức cơ sở Đảng đầu tiên thành lập ở La Bằng năm 1936, trải qua 87 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đến nay đã có hơn 800 tổ chức cơ sở đảng với 90.000 đảng viên, 18 Đảng bộ huyện, thành, thị và Đảng ủy trực thuộc. Với sự phát triển về số lượng và chất lượng, phát huy truyền thống tốt đẹp, khơi dậy những tiềm năng to lớn của địa phương, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng của thời kỳ cùng cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc và bước đầu đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.