I. Lịch sử của ngày Truyền thống thi đua yêu nước
Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1948, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng cho kháng chiến, kiến quốc. Ðể triển khai Chỉ thị này, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân. Ngày 11-6 hằng năm đã trở thành Ngày Truyền thống thi đua yêu nước.
II. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực. Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất…”
Thi đua ái quốc theo quan điểm Hồ Chí Minh là tư tưởng xuyên suốt, bao hàm nhiều nội dung phong phú, có thể khái quát cơ bản thành 8 nội dung, đó là :
Một là, Thi đua là yêu nước.
Đây là một quan điểm thể hiện sự sáng tạo độc đáo trong tư tưởng về thi đua, thể hiện cách nhìn sâu rộng và là một sự phát triển mới về thi đua. Bác đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng mới. Quan niệm thi đua là yêu nước được thể hiện ở việc lấy thi đua làm động lực phát huy tinh thần yêu nước, động lực đó được thể hiện bằng hành động thực tế; ngược lại lấy lòng yêu nước để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả thi đua.
Hai là, Thi đua phải có sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp Nhân dân.
Theo Người, thi đua là công việc của mọi người, mọi ngành, mọi cấp không phân biệt già, trẻ, gái, trai, không phân biệt tầng lớp giàu, nghèo, không phân biệt ngành nghề,... Trong thơ chúc Tết xuân Kỷ Sửu (1949), Người viết: “Người người thi đua, Ngành ngành thi đua, Ngày ngày thi đua..."
Ba là, Phong trào thi đua phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Theo quan điểm của Người: Công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua, mọi việc phải thi đua. Đây là vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc trong tư tưởng về thi đua yêu nước của Người. Nói đến công việc hàng ngày tức là nói đến hoạt động lao động sản xuất, hoạt động xã hội của con người.
Bốn là, Thi đua phải có mục đích, mục tiêu.
Thi đua phải có mục đích rõ ràng, khoa học, toàn diện và cụ thể. Có mục đích cho cả nước, cho từng vùng miền, từng ngành, từng giới, từng lứa tuổi đồng thời phải có mục đích thi đua lâu dài và trước mắt.
Năm là, Thi đua phải có kế hoạch cụ thể.
Bất kỳ phong trào thi đua nào cũng phải xác định mục tiêu, kế hoạch phấn đấu một cách cụ thể, khoa học, gắn liền với nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống của Nhân dân. Kế hoạch đề ra phải căn cứ vào điều kiện kinh tế, khả năng có thể đạt được để động viên mọi người phấn đấu vươn lên. Kế hoạch thi đua phải được quần chúng tham gia xây dựng đóng góp ý kiến một cách dân chủ, có biện pháp thiết thực, tích cực, tránh “đại khái”.
Sáu là, Thi đua xây dựng con người mới, thi đua phát huy sáng kiến, phổ biến rộng rãi điển hình, sáng kiến kinh nghiệm tiên tiến.
Theo Bác muốn thi đua phát triển rộng rãi phải dựa vào lực lượng và tinh thần của Nhân dân, phải giáo dục bồi dưỡng, lấy thi đua làm trường học xây dựng con người mới. Để phong trào thi đua đạt được hiệu quả cao cần đẩy mạnh việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành, làm cho sản xuất đạt hiệu quả, kinh tế-xã hội phát triển toàn diện và vững chắc.
Bảy là, Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng đắn.
Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng, là một tất yếu, là đòi hỏi, yêu cầu của phong trào. Để phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ, liên tục đồng thời thu được hiệu quả cao, cần có sự lãnh đạo thống nhất và có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các đoàn thể nhân dân, bảo đảm các mặt hoạt động thi đua ăn khớp với nhau, nhằm vào mục đích chung, vào mục tiêu đã định theo đúng chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.
Tám là, phải chú trọng khen thưởng kịp thời.
Bác nói: “Thưởng phạt phải nghiêm minh, có công thì thưởng, có lỗi thì phạt; có công mới có huân, phải có công huân mới được thưởng huân chương, thưởng cái nào đích đáng cái ấy,... khen thưởng phải có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương”. Phải khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời để khuyến khích mọi người hăng hái tham gia phong trào thi đua, phấn đấu làm tròn nhiệm vụ được giao.
70 năm qua, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Ðảng và nhân dân ta vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Các phong trào thi đua đã động viên nhân dân cả nước vượt qua gian nan, thử thách và trở thành động lực to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, tiếp tục Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, toàn thể khoa KHCB tích cực hưởng ứng phong trào kỷ niệm với chủ đề “học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với trách nhiệm của cán bộ viên chức và thanh niên trong thi đua yêu nước.
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đưa phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh lên một tầm cao mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên trong Khoa quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước một cách nghiêm chỉnh, thành tâm, sâu sắc, sáng tạo.
1. Trước hết, tiếp tục tổ chức nghiên cứu, học tập một cách nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; trên cơ sở đó, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của Đảng ủy nhà trường về công tác thi đua khen thưởng. Coi trọng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về động cơ, thái độ, trách nhiệm của các đối tượng; khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước, đề cao tính chủ động sáng tạo, động viên nhiệt tình cách mạng của cán bộ, giảng viên trong Khoa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
2. Tuyên truyền tích cực, kịp thời những mặt tốt, việc làm hiệu quả; kiên quyết, chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Chăm lo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; ngăn ngừa, cảnh tỉnh, phê phán những biểu hiện nhận thức hạn chế.
3. Chi ủy, Ban chủ nhiệm Khoa có chủ trương, giải pháp toàn diện tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, đưa phong trào thi đua phát triển sâu rộng, có nền nếp, thực chất, bảo đảm tính vững chắc và đạt chất lượng, hiệu quả cao. Xây dựng Chi bộ trong sạch vững mạnh, Khoa vững mạnh toàn diện. Đẩy mạnh thi đua nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học. Quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Phát huy dân chủ, đoàn kết, đề cao tính chủ động, tích cực, tự giác của cá nhân gắn với tăng cường kỷ cương trong mọi hoạt động của Khoa.
Quá trình thi đua phải được khởi nguồn từ tư duy nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy Khoa đến các chủ nhiệm bộ môn, trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa “xây” và “chống”, phải được thể hiện trong nghị quyết lãnh đạo của Chi bộ, phản ánh xuyên suốt trong các nội dung của công tác xây dựng Đảng và trong chương trình, kế hoạch của Khoa trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và các nhiệm vụ do cấp trên giao.
4. Thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương, gắn với thực hiện các chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ viên chức; đồng thời, chấp hành nghiêm Quy định về những điều đảng viên không được làm. Tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, đề cao tính chiến đấu; tích cực ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, kịp thời phát hiện, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; chú trọng biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt trên các mặt công tác. Tôn vinh những tấm gương bình dị, gần gũi, nhưng suy nghĩ và việc làm vô cùng cao quý, toàn tâm, toàn ý, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp giáo dục đào tạo, góp phần xây Khoa vững mạnh toàn diện.
Tác giả: Ngô Thị Mây Ước, Khoa KHCB