Cơ chế và ý nghĩa của quá trình hình thành bào tử ở vi khuẩn
Một số vi khuẩn vào cuối thời kì sinh trưởng phát triển sẽ sinh sản ra bên trong tế bào một thể nghỉ có dạng hình cầu hay hình bầu dục được gọi là bào tử hay nội bào tử. Trong thời kì nghỉ bào tử không thể hiện bất kì một hoạt lực trao đổi chất nào, người ta gọi đó là trạng thái sống ẩn. Chỉ có một số chi vi khuẩn có khả năng sản sinh bào tử như : Bacillius, Clostridium...Các tế bào sinh bào tử khi gặp điều kiện thiếu thức ăn hoặc tích lũy các sản phẩm trao đổi chất có hại sẽ bắt đầu thực hiện quá trình hình thành bào tử. Bào tử có thể giữ sức sống từ vài năm đến vài chục năm, đã có những chứng cứ về việc duy trì sức sống 200 – 300 năm của bào tử vi khuẩn Bacillius subtilis. Trong đất đá trầm tích dưới đáy các hồ sâu có những bào tử vi khuẩn duy trì được sức sống tới 500 – 1000 năm...
Việc hình thành bào tử ở một số chi vi khuẩn giúp cho vi khuẩn có thể sống sót qua những điều kiện bất lợi của môi trường nhờ tính kháng nhiệt, kháng bức xạ, kháng hóa chất, kháng áp suất thẩm thấu cao. Năng lực đề kháng với bức xạ của bào tử thường gấp đôi tế bào dinh dưỡng, năng lực đề kháng với tia bức xạ của Bacillius megaterium gấp 36 lần tế bào dinh dưỡng của vi khuẩn E.coli.